Phần chất vấn tại Quốc hội chiều 6/11, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tình trạng ô nhiễm kênh Bắc Hưng Hải đã được nêu nhiều lần nhưng chưa được xử lý.
Tương tự, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) nêu, địa phương đã kiến nghị xử lý tình trạng nước sông Cầu ô nhiễm, gây ảnh hưởng người dân Bắc Ninh, Bắc Giang và được Bộ Tài nguyên phản hồi, nói sẽ xử lý nhưng chưa được giải quyết.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay, kênh Bắc Hưng Hải được khởi công từ 1958, là hệ thống thủy lợi tiêu nước, cấp nước lớn ở Bắc Bộ.
Đến nay: "Bắc Hưng Hải từ một hệ thống thủy nông đang phải gánh thêm nhiệm vụ xả thải cho một phần của Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên với 450 – 500 nghìn m3 xả thải. Trong đó, tại cống Xuân Thụy, các quận Long Biên, Gia Lâm (Hà Nội) xả vào đây 260 nghìn m3".
Theo Bộ trưởng, nước xả thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, khu đô thị, dân cư và: "Hầu hết các địa phương chưa có hệ thống xử lý nước sinh hoạt. Hà Nội đang cố xây nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa xong nên 2 quận vẫn xả thải ra".
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì họp, yêu cầu các địa phương có biện pháp xử lý xả thải ô nhiễm đồng thời, Bộ phối hợp ngành công an, xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp xả thải trái quy định.
Ông Đặng Quốc Khánh nói thêm, tỉnh Hưng Yên có giải pháp là đến các xã, khu dân cư để "thu gom xử lý nước thải" nhưng mất nhiều nguồn lực, chưa kể nếu có nhà máy xử lý còn phải vận hành.
Với sông Cầu, Bộ trưởng cho hay tình trạng ô nhiễm đến một phần từ các làng nghề, gồm làng nghề truyền thống như làm giấy. Do vậy, phải có quy hoạch di chuyển các làng nghề và thu gom, xử lý nước.
Ông Khánh khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ là cần có "Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý các dòng sông chết". Tuy nhiên, việc này sẽ cần nguồn lực lớn nên ông mong "Quốc hội ủng hộ", thêm rằng để xử lý ô nhiễm ở Bắc Hưng Hải và sông Cầu cần: "Phải có thời gian, nguồn lực".
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc Việt Nam chưa có thị trường mua bán tín chỉ các bon (CO2) và các doanh nghiệp vẫn lúng túng khi mua bán tín chỉ này trên thị trường quốc tế, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng đây là nội dung "vừa xử lý, vừa tham mưu".
Ông phân tích, việc mua bán tín chỉ CO2 sẽ góp phần giúp nước ta đạt cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050. Vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng quy chế để ban hành thị trường tín chỉ CO2 và các bộ sẽ hoàn thiện thể chế, năng lực chuyên môn nhằm thí điểm, vận hành nội dung này.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tín chỉ các bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.