Dân Việt

Một nơi ở An Giang, trên nuôi ếch, dưới thả cá sặc rằn, thò tay xuống nắm được cá đống

Mô hình nuôi ếch thịt trong vèo kết hợp nuôi cá sặc rằn trong ao đất tại ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) được xem là một trong những mô hình hiệu quả và được bà con nông dân đánh giá cao.

Trong điều kiện chăn nuôi thủy sản của bà con nông dân đối mặt với nhiều khó khăn như giá thức ăn tăng cao, đầu ra bấp bênh, vấn đề đặt ra cần có mô hình mới có thể giúp bà con nông dân giải quyết bài toán kinh tế này, vừa qua, mô hình nuôi ếch thịt trong vèo kết hợp nuôi cá sặc rằn trong ao đất tại ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) được xem là một trong những mô hình hiệu quả và được bà con nông dân đánh giá cao.

Một nơi ở An Giang, trên nuôi ếch, dưới thả cá sặc rằn, thò tay xuống nắm được cá đống - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ếch trong bèo đặt dưới ao nuôi cá sặc rằn của nông dân ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang).

Mô hình nuôi ếch thịt trong vèo kết hợp nuôi cá sặc rằn trong ao đất được Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu thực hiện tại hộ anh Nguyễn Văn Đầy, với quy mô thực hiện 50m2 vèo, bố trí 02 vèo, mỗi vèo có diện tích 25m2, bố trí mủ Bitis để làm giá thể cho ếch, trên diện tích 700m2 ao đất. 

Trước khi thả giống cá sặc rằn, ao nuôi phải được xử lý, diệt khuẩn, sau 10 ngày mới bắt đầu thả ếch giống. 

Với quy mô 500m2 vèo sẽ tiến hành thả 6000 con ếch giống, mẫu 120 con/kg và thả 50kg cá sặc rằn, mẫu 100 con/kg, thời gian bắt đầu từ ngày 03/07/2023.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng - cán bộ kĩ thuật Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) cho biết thêm: “Chất lượng giống ếch rất là quan trọng, khi bà con mua giống ếch phải liên hệ chỗ sản xuất giống chất lượng. Bởi vì nếu mà con ếch mình bắt  trên size thì nó sẽ rất mau lớn, còn dưới size sẽ chậm lớn hơn, vì ếch đực nhiều, một cái điểm lưu ý để nuôi ếch thành công là mô hình nuôi bà con phải có ít nhất từ 2 đến 3 vèo, để mà mình phân đàn, tại vì con ếch khi lớn sẽ ăn thịt con nhỏ, thành ra mình phải phân đàn để mình nâng tỷ lệ sống. 

Cái thứ 3 là quản lý chất lượng nước, bà con cũng phải lưu ý cho sạch, tại vì nước nó dơ, con ếch dễ bị bệnh chướng hơi sình bụng, hoặc là mình nuôi ở ngoài ai, hoặc nuôi ở trong bể đó, bà con phải lưu ý nhiệt độ, nếu mà bể nuôi mình hoặc cái vào nắng quá nóng đó thì cũng sẽ ảnh hưởng sức khỏe con ếch.

Nếu mà nắng nóng quá thì mình phải che mát bằng lưới lan chẳng hạn, trong quá trình nuôi phải bổ sung men tiêu hóa hằng ngày, để chống được bệnh chướng hơi sinh bụng, tăng cường sức đề kháng con ếch bằng vitamin C 3 ngày/tuần”.

Một nơi ở An Giang, trên nuôi ếch, dưới thả cá sặc rằn, thò tay xuống nắm được cá đống - Ảnh 2.

Ếch thương phẩm nuôi trong vèo đặt dưới ao nuôi cá sặc rằn ở An Giang.

Thực hiện nuôi ếch thịt trong vèo kết hợp nuôi cá sặc rằn trong ao đất, theo đánh giá sự phát triển của ếch và cá rất tốt. 

Trọng lượng bình quân của ếch là 230gram/con, khối lượng tổng hơn 01kg ếch thương phẩm với giá thị trường khoảng 40.000đ/kg, sau khi trừ các chi phí, mang về lợi nhuận hơn 9 triệu đồng. 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng - cán bộ kĩ thuật Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu cho biết: “Mô hình nuôi ếch kết hợp cá sặc rằn trong vèo đó, cơ bản cũng thấy khá là hiệu quả, thứ nhất là mình nuôi ếch ở trong vèo vòng đời con ếch ngắn, mình nuôi cỡ 2 tháng rưỡi, 3 tháng mấy thu hoạch, thành ra xoay đồng vốn nhanh.

Còn con cá sặc rằn mình thả trong ao mình không tốn thức ăn, mà tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ ếch, phân thải từ ếch, con cá sẽ ăn và lớn, thành ra hình thức nuôi cá sặc rằn trong ao là hình thức bỏ ống, con ếch mình nuôi 1 năm được từ 2, đến 3 vụ.

Mình thấy mô hình này nó mới và cũng khá hiệu quả cho khi bà con thay đổi đối tượng như là cá tra hiện nay giá cả cũng bấp bênh, hay mô hình lươn, đây là mô hình mà nó có thể thay thế trong thời gian tới”.

Một nơi ở An Giang, trên nuôi ếch, dưới thả cá sặc rằn, thò tay xuống nắm được cá đống - Ảnh 3.

Hiệu quả dễ nhận thấy khi thực hiện mô hình, bà con nông dân sẽ dễ dàng xoay vòng nhanh đồng vốn vì thời gian nuôi ngắn, đồng thời, nguồn thức ăn của cá sặc rằn trong ao cũng đã được tận dụng. 

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi ếch, không chỉ quan tâm đến chọn con giống ban đầu, nguồn nước trong ao đảm bảo, bà con nông dân cần quan tâm đến lượng thức ăn cung cấp phù hợp, đây được xem là yếu tố quan trọng góp phần tạo sự phát triển đồng đều cho ếch, đồng thời, phòng tránh được các dịch bệnh. 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng - cán bộ kĩ thuật Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu chia sẻ: “Trong quá trình nuôi ếch mình phải lưu ý cách chọn thức ăn, tại vì con ếch nhỏ mình phải lựa thức ăn vừa kích cỡ miệng con ếch, ví dụ giai đoạn nhỏ mình cho ăn size nhỏ, lớn mình cho ăn size lớn cỡ từ 2 ly đến 6 ly, là từ lúc bắt đầu ếch giống đến thương phẩm.

Còn lượng đạm thì tùy giai đoạn nhỏ, ví dụ con ếch ở cái size tầm khoảng dưới 100 gram, mình cho ăn đạm khoảng 35 đạm, còn trên size 150 gram, mình giảm xuống 32 rồi 30 đạm để tiết kiệm chi phí và lượng đạm đó phù hợp sự phát triển của ếch.

Tuy nhiên, thì cái hệ số thức ăn của ếch, phụ thuộc rất nhiều quá trình cho ăn, giai đoạn còn nhỏ, 02 tuần lễ đầu bà con mới bắt ếch giống về đó, bà con cho ăn 3-4 lần, vì mình cho ăn ít và nhiều lần như vậy thì mình sẽ tránh được bệnh chướng hơi sình bụng.

Thêm nữa là nó sẽ đều cỡ, tránh được cái việc ăn nhau, rồi khi mà con ếch nuôi được 1 tháng, mình sẽ giảm được 2 - 3 lần cho ăn, thì mình sẽ tăng cường được tỷ lệ sống và độ đồng đều của ếch rất là nhiều”.

Một nơi ở An Giang, trên nuôi ếch, dưới thả cá sặc rằn, thò tay xuống nắm được cá đống - Ảnh 4.

Mô hình nuôi ếch thịt kết hợp nuôi cá sặc rằn trong cùng một ao ở ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang).

Bên cạnh, vấn đề ao nuôi cần gần nguồn nước sông, vì mô hình này muốn nuôi đạt hiệu quả cao phải thường xuyên thay nước. 

Hiện nay, điều bà con nông dân vẫn còn băn khoăn là hiện nay ếch chủ yếu tiêu thụ nội địa thông qua các chợ nên có thể gặp khó khăn về đầu ra khi cung vượt cầu. 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng - cán bộ kĩ thuật Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu cho biết: “Việc quan trọng là làm Trạm sẽ hỗ trợ bà con nông dân thông qua lớp dạy nghề và tập huấn, thứ hai là hỗ trợ bà con khâu bắt giống.

Khâu bắt giống quan trọng, Trạm hoặc liên hệ những anh em thủy sản địa phương để bắt nguồn giống chất lượng cho bà con, và mình sẽ liên kết với nhau cung cấp hoặc là những cái Hội, tổ hợp tác trong tỉnh An Giang để hỗ trợ bà con vấn đề đầu ra đó là hướng mới của Trạm”.

Có thể thấy rằng, mô hình nuôi ếch thịt trong vèo kết hợp nuôi cá sặc rằn trong ao đất sẽ là mô hình tiềm năng và mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Khi bà con nông dân thực hiện đảm bảo các bước quy trình được hướng dẫn, để hạn chế thấp nhất tình hình dịch bệnh xảy ra trên ếch và đảm bảo quá trình phát triển đồng đều của ếch. Đồng thời, sự đồng hành, hỗ trợ của Ngành chuyên môn sẽ là điều kiện giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả thực hiện mô hình trong thời gian tới.