Song thái giám cũng là đàn ông và được hoạt động trong hậu cung, bởi lẽ họ đã “tịnh thân”, mất đi báu vật quý giá của phái mạnh. Suy cho cùng, mục đích của luật lệ “tịnh thân” cũng từ việc này mà ra.
Tuy nhiên, trong Tử Cấm Thành ở Trung Quốc xưa vẫn có một nhóm người đàn ông được phép bước vào hậu cung của hoàng đế mà không cần tịnh thân. Đó là thái y, hay chính là bác sĩ theo cách gọi thời nay.
Vậy vì sao thái y được “trao đặc ân” này?
Các ngự y trực tiếp phục vụ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng tử và các quan đại thần, đều là những người có học thức sâu sắc, được tuyển chọn kỹ lưỡng từ khắp thiên hạ. Một trong số những cách thức tuyển chọn này là địa phương tiến cử người tài giỏi, vượt qua nhiều vòng kiểm tra mới có thể chính thức bước vào cung cấm làm việc.
Đương nhiên trong thái y viện cũng có người già, người trẻ. Cộng thêm bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “tiền bối, hậu bối” và kinh nghiệm lâu năm, thái y được quyền khám bệnh cho Hoàng đế và phi tần hầu như đều lớn tuổi. Thái y trẻ thì chuyên phục vụ những người có thân phận thấp bé hơn, như cung nữ, binh lính, thậm chí là tội nhân. Đồng thời, nếu như thái y nào phạm tội hoặc không đủ chuyên môn gây ra lỗi lầm, thì địa phương đã tiến cử họ trước đó cũng bị liên lụy.
Thái y lớn tuổi, suy cho cùng cũng là những người quá độ trung niên, nên có thể giảm thiểu tình huống nảy sinh tình cảm và ý đồ dan díu với phi tần trong hậu cung.
Khu vực phụ trách việc chữa bệnh gọi là nội viện hoặc thái y viện, hàng đêm đều có người túc trực bên ngoài. Nếu cần khám bệnh hoặc phát sinh tình huống nguy cấp, thái y sẽ được thái giám thông báo, rồi phân người tiến cung. Toàn bộ quá trình, bao gồm tiến cung, khám bệnh, rời cung, đều có sự giám sát của thái giám. Kể cả khi kê đơn thuốc cũng phải chia thành 2 phần. Thái y phụ trách chữa trị và thái giám trông coi phải uống loại thuốc này trước, sau đó mới đến phi tần.
Ngoài ra, thái y không được trực tiếp chạm vào mạch của phi tần, có khi vô tình chạm vào cũng phải lập tức quỳ xuống nhận tội. Một khi có hành vi “vượt giới hạn” này, thái giám bên cạnh có thể trừng phạt.
Ngoài 2 lý do trên, thái y còn phải chịu rất nhiều áp lực. Tại sao? Thời xưa, thái y khám bệnh, bốc thuốc phải có hiệu quả nhanh chóng, tức là tác dụng chữa bệnh phải có hiệu quả trong thời gian ngắn. Nếu không, họ sẽ bị xem là “bất tài, vô dụng”, thậm chí có thể bỏ mạng lúc nào không hay.
Trong phim “Chân Hoàn truyện”, có một ngự y họ Ôn suýt chút nữa đã “cắm sừng” Ung Chính, nhưng điều này không thể xảy ra trong lịch sử thực tế.
Tác dụng chữa bệnh của y học cổ truyền Trung Quốc là một quá trình cần thời gian, điều này khiến không ít thái y mỗi lần chịu trách nhiệm chữa trị cho phi tần cũng đều “đổ mồ hôi hột”, trong lòng lo sợ mà ngoài mặt vẫn phải tỏ ra bình tĩnh để trị bệnh. Đặc biệt trong cung có quy định, nếu bệnh nhân qua đời thì thái y chữa trị cho người đó sẽ bị đày ải hoặc bị kết án. Ngay cả việc giữ cái đầu của mình cũng phải lo lắng hằng ngày, thử hỏi thái y còn tâm trí để nghĩ đến chuyện “phạm thượng” nữa hay không!