Nếu lái xe từ Tam điệp (Ninh Bình) đi Nghệ An, bạn sẽ có hai lựa chọn, hoặc đi trên tuyến cao tốc Bắc Nam đến Diễn Châu, với tốc độ tối đa là 80km/h, hoặc đi theo quốc lộ 1 cũ, với tốc độ tối đa là 90km/h. Điều này, khiến chúng tôi thường gọi đùa các đoạn cao tốc này là “cao tốc tốc độ thấp”. Cái đáng nói ở đây, là cao tốc thì điều kiện giao thông thuận lợi hơn rất nhiều, vì là đường đóng, chỉ dành cho xe ô tô, còn quốc lộ 1 là đường hỗn hợp, có cả xe máy, xe thô sơ, và có cả dân cư ở hai bên đường.
Hôm 6/11, trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, bộ trưởng Bộ GTVT trả lời "Chúng tôi đã điều chỉnh lại quy chuẩn thiết kế đường cao tốc, dự kiến quý 1/2024 có thể điều chỉnh tốc độ các tuyến cao tốc từ 80 lên 90km/h".
Nhưng vấn đề với các tuyến đường cao tốc không chỉ có chuyện “cao tốc được chạy ở tốc độ thấp”.
Một ví dụ: từ Hà Nội có nhiều tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, và đang được vận hành với các “tiêu chuẩn” hoàn toàn khác nhau, đường cao tốc Bắc Nam từ Pháp Vân đến Cầu Giẽ, với 6 làn đường, vận hành ở tốc độ tối đa 100km/h, từ Cầu Giẽ đi chỉ còn 4 làn, vận hành ở tốc độ tối đa 120km/h. Đại lộ Thăng Long có 6 làn đường, có 6 làn đường, thì 4 làn trong cùng ở tốc độ 100km/h và 2 làn bên ngoài 80km/h. Cao tốc Hà Nội - Hải phòng có 6 làn, vận hành theo làn, tốc độ 4 làn bên trong là 120km/h, hai làn ngoài cùng 100km/h, cao tốc Nội Bài – Lào Cai vận hành ở tốc độ 100km/h. Đường Võ Nguyên Giáp lên sân bay, đoạn dành riêng cho ô tô, có 6 làn, tốc độ tối đa là 80km/h cho 4 làn ngoài cùng và 90km/h cho làn trong cùng…
Tức là, chỉ riêng với chuyện tốc độ vận hành, đã là một thứ hoàn toàn lộn xộn và không có bất kỳ nguyên tắc, quy tắc nào cả.
Đi trên cùng một tuyến cao tốc Bắc Nam, từ Lạng Sơn đến Nghệ An chẳng hạn, người lái xe sẽ phải làm quen với một loạt tiêu chuẩn khác nhau về tốc độ vận hành, đoạn thì 100km/h, đoạn 90km/h và 70km/h (Bắc Giang – Hà Nội), rồi 100km/h (Pháp Vân - Cầu Giẽ), 120km/h (Cầu Giẽ - Cao Bồ), 80km/h (Cao Bồ đến Diễn Châu)…
Không chỉ có vậy, các điểm ra khỏi cao tốc (exit) không chỉ được đặt theo một lối riêng có của Việt nam, là nút giao (interchange/IC) và gọi bằng tên địa danh, thay vì gọi là lối ra/Exit và đánh số như cả thế giới vẫn làm. Trước các lối ra này, trên khắp thế giới, người vận hành cao tốc thiết kế làn riêng cho xe đi ra, từ khoảng 500 m trước lối ra, ở mình thì không có làn riêng như vậy, và các lối ra luôn ùn tắc và rất nguy hiểm, vì dòng xe ra chặn lối các phương tiện khác trên đường.
Cũng không đâu như ở các tuyến cao tốc của chúng ta, khi muốn vượt một xe khác, bạn phải luồn lách, thay vì đi vào làn trong cùng, luôn được vận hành là làn để vượt (take-over lane), giúp cho việc vận hành nhanh và quy củ, an toàn.
Trong một cuộc trao đổi trên VOV Giao thông hồi tháng 5 vừa rồi với giáo sư Bùi Xuân Cậy về thực trạng tổ chức giao thông, tôi đã đặt ra câu chuyện này, và chúng tôi không tìm được lý do, vì sao cho dù ngành giao thông đã có quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc, nhưng cho đến nay, vẫn không có quy chuẩn quốc gia về vận hành cao tốc.
Ví dụ về tốc độ vận hành, không quốc gia nào làm như chúng ta, khi các tuyến cao tốc vận hành ở tốc độ hoàn toàn khác nhau, theo các cách tuỳ tiện và lộn xộn, phụ thuộc vào ý chí và quyết định hành chính của cơ quan quản lý. Các quốc gia khác đều vận hành đường cao tốc và mạng lưới đường bộ nói chung theo các tiêu chuẩn thống nhất. Ví dụ nếu bạn lái xe từ Amsterdam đi Paris, thì bạn sẽ hiểu rằng, trên đất Hà Lan, tốc độ tối đa sẽ là 100km/h vào ban ngày, và 130km/h vào ban đêm, qua Bỉ tốc độ tối đa sẽ là 120km/h, và trên đất Pháp, sẽ là 130km/h, và không có ngoại lệ, trừ các đoạn đường đang sửa hoặc đang bị hư hỏng.
Các tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp như các tuyến chúng ta đang xây dựng không phải chỉ có ở Việt Nam, nhưng các quốc gia khác có thể vận hành ở tốc độ cao hơn, an toàn hơn, và giúp cho người lái xe thoải mái hơn, chính là nhờ việc vận hành, tổ chức giao thông một cách khoa học.
Đã đến lúc, ngành giao thông vận tải cần làm nhiều hơn việc nâng tốc độ cao tốc lên ngang với đường bình thường, và cần phải xây dựng bộ quy chuẩn quốc gia về vận hành, tổ chức giao thông trên cao tốc, và tất nhiên, cũng nên quan tâm cả đến việc vận hành, tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ khác, vốn đang lộn xộn, thiếu khoa học chẳng kém, và là nguồn cơn của thiếu an toàn.