Đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hoá) nêu thực tế thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của, điển hình như vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội.
"Xin Thủ tướng cho biết trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?", đại biểu Cầm Thị Mẫn đặt câu hỏi.
Trả lời đại biểu Cầm Thị Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh chính cho biết, thời gian qua chúng ta đã được chứng kiến những vụ cháy nổ rất thương tâm, những vụ cháy quán karaoke, chung cư mini... Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan cũng đã có những hành động góp phần phòng chống, ngăn chặn việc này.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị để triển khai về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy
Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, nâng cao ý thức của người dân. Đánh giá đây là giải pháp "rất quan trọng", theo Thủ tướng, người dân phải hiểu biết, tham gia vào phòng chống cháy nổ và thứ hai là kĩ năng thoát hiểm khi cháy, nổ xảy ra.
Tiếp đến là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ. "Nói thật là vừa qua tôi cũng cho họp mấy cuộc đánh giá lại. Chỗ nào cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đường lối chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đến tận người dân, hệ thống chính trị vào cuộc thì chỗ đó tốt", Thủ tướng nói.
Thứ ba, theo Thủ tướng là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất cho ngành này để khi có vấn đề thì có thể xử lý được.
Một vấn đề được Thủ tướng nhấn mạnh, là vấn đề hoàn thiện quy hoạch, xây dựng, tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy.
"Vấn đề này chúng tôi chỉ đạo rất quyết liệt vì nếu không quy hoạch mà không tốt thì cháy nổ là chịu, các phương tiện không vào được. Phải quy hoạch cả phương tiện giao thông, vấn đề sử dụng nguồn nước khi phòng cháy, chữa cháy", Thủ tướng cho hay.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý đến sự tham gia của người dân, của các tổ dân phố. Cùng với đó, các tổ chức chính trị xã hội cũng phải vào cuộc, vừa phòng, vừa chống; đồng thời hiện đại hóa lực lượng nòng cốt phòng cháy, chữa cháy.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội mới đây cũng đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, trình bày kết quả thẩm tra đối với báo cáo của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC năm 2023.
Một trong những nội dung được đề cập tại báo cáo, đó là sự kiện cháy chung cư mini tại P.Khương Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong.
Báo cáo cho biết, sau vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ (còn được gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Mục đích của việc rà soát, kiểm tra là để đánh giá thực trạng và xác định giải pháp khắc phục, hạn chế nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự.
Theo báo cáo sơ bộ, tính đến ngày 15.10.2023, toàn quốc có 4.717 nhà chung cư, 145.578 nhà trọ, 1.585 nhà ở nhiều căn hộ và 102.707 nhà ở kết hợp kinh doanh chất hàng nguy hiểm cháy nổ.
Trước khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội), lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.565 chung cư, 63.446 nhà trọ, 746 nhà ở nhiều căn hộ và 55.666 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ.
Sau khi vụ cháy xảy ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra 631 chung cư, 29.733 nhà trọ, 710 nhà ở nhiều căn hộ và 9.807 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xử lý vi phạm 77 lượt đối với nhà chung cư, 2.498 lượt đối với nhà trọ, 74 lượt đối với nhà ở nhiều căn hộ, 312 lượt đối với nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ.