Trong 3 ngày từ 8 - 10/11, triển lãm quốc tế lần thứ 16 về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì tại Việt Nam - ProPak Vietnam 2023 diễn ra tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM.
Đây là nơi để các doanh nghiệp ngành bao bì tìm kiếm máy móc, thiết bị, công nghệ đột phá mới nhằm đổi mới dây chuyền sản xuất, tối ưu hóa quy trình chế biến và đóng gói, đồng thời đáp ứng các nhu cầu về phát triển bền vững.
Với diện tích trưng bày lên đến 10.000m2, triển lãm ProPak Vietnam 2023 đón hơn 400 đơn vị trưng bày đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Ba Lan, Hà Lan, Úc, Áo, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…
Trong 3 ngày diễn ra, ProPak Vietnam 2023 quy tụ nhiều doanh nghiệp quốc tế nổi tiếng đến trưng bày như VMS, Greenpack, Ishida, Sidel & E80, MKT, Phú Lộc, Fuji Seal, Beijing Omori, Mahathanee, MT Food, FPT, Kyouwa, Transicom, Daiichi Jitsugyo, Tập đoàn Mỹ Lan, Hon Chuan, Eulsung...
Các sản phẩm được trưng bày tập trung vào công nghệ bao bì, chế biến, nguyên vật liệu, công nghệ đồ uống, ngành dược, chuỗi cung ứng lạnh, logistics và lưu kho.
Dự kiến năm nay, ProPak Vietnam 2023 sẽ thu hút 10.500 khách tham quan, đa phần là chủ doanh nghiệp, ban quản trị và các chuyên viên cấp cao có quyền ra quyết định trong doanh nghiệp.
Không chỉ có triển lãm, ProPak Vietnam 2023 còn đầu tư xây dựng chuỗi hội thảo quốc tế, hội thảo chuyên đề và hội thảo kỹ thuật xoay quanh nhiều khía cạnh về ngành chế biến, đóng gói bao bì.
Điển hình trong đó như chương trình hội thảo quốc tế với chủ đề: "Bao bì thông minh và cơ hội cho Việt Nam tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương"; hội thảo "An ninh lương thực và biến đổi khí hậu"; hội thảo "Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo Luật Bảo vệ môi trường: Cơ hội cho phát triển bao bì xanh - thân thiện với môi trường"; hay hội thảo về chủ đề "Tối ưu hóa công nghệ xử lý và chế biến bao bì: Nâng cao hiệu suất sản xuất và giảm tác động môi trường".
Ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam - đơn vị tổ chức ProPak Vietnam cho biết, trong những năm qua, ngành chế biến, đóng gói thực phẩm và đồ uống đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, các ứng dụng giao hàng, cùng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, sự phát triển này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc bảo vệ tài nguyên và môi trường, khi Việt Nam đang đối mặt với thách thức phải xử lý lượng rác thải ngành hàng tiêu dùng nhanh gia tăng đột biến.
"Nhiều nhà sản xuất lớn đang nỗ lực mạnh mẽ để sáng chế ra các công nghiệp, vật liệu và thiết kế mới tạo ít chất thải hơn, có khả năng tái chế cao, giá thành thấp và quy trình đơn giản hơn. Đây cũng chính là vai trò của triển lãm: mang đến những công nghệ tiên tiến, cập nhật nhất giúp cải tiến quy trình sản xuất cho doanh nghiệp. ProPak Vietnam đã đồng hành không ngừng nghỉ cùng sự phát triển của ngành công nghiệp đóng gói kể từ năm 2003", ông BT Tee nói.
Còn ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có khoảng 14.000 doanh nghiệp bao bì, trong đó bao bì giấy 4.500, bao bì nhựa khoảng 9.200 doanh nghiệp.
Nhìn chung, công nghiệp bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,4%/năm. Tương lai công nghiệp bao bì sẽ còn phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, chính vì vậy, công nghiệp bao bì cũng là ngành hấp dẫn nguồn vốn đầu tư từ nhiều quốc gia.
"Thuận lợi nhiều, tất nhiên công nghiệp bao bì Việt Nam cũng đối đầu nhiều thách thức, cần phải tăng sức cạnh tranh bằng việc quản lý hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng công nghiệp bao bì thành ngành công nghiệp xanh, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững", ông Sang nhận định.