Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang ảnh hưởng tới thị trường gạo toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực nếu các quốc gia đang phát triển không đủ khả năng chi trả hoặc tiếp cận nguồn cung gạo. Ông Peter Bachmann, Phó chủ tịch chính sách và các vấn đề chính phủ tại Liên đoàn Lúa gạo Mỹ, nói với CNBC: “Sự thiếu hụt thực sự hiện nay là gạo tẻ thường, trắng, hạt dài, chất lượng thấp của Ấn Độ, thường được nước này xuất khẩu sang châu Phi và Đông Nam Á. Khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo này, điều đó sẽ ảnh hưởng đầu tiên và mạnh nhất tới các nước đó”.
Đầu tiên, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu một số loại gạo vào tháng 9/2022. Sau đó, vào tháng 7/2023, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng không phải loại basmati. Ông Will Kletter, Phó chủ tịch điều hành và chiến lược tại ClimateAi, nói với CNBC: “Ấn Độ là một trong số các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Vì vậy có thể hiểu được mong muốn đảm bảo các loại lương thực thiết yếu như gạo của nước này".
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ chiếm 40% thị trường thế giới nên bất kỳ lệnh cấm xuất khẩu nào cũng nhanh chóng ảnh hưởng đến giá gạo toàn cầu. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, giá gạo tăng vọt từ 15% đến 20%, đạt mức cao nhất trong gần 12 năm sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Ông Bachmann nói: “Ấn Độ đang cố gắng đảm bảo đủ gạo cho thị trường nội địa để người tiêu dùng trong nước được mua gạo với giá vừa phải hơn”.
Một phần của vấn đề là dù phải đối mặt với chi phí đầu vào như năng lượng và phân bón ngày càng tăng, so với các mặt hàng nông sản khác, giá gạo trên thị trường vẫn tương đối ổn định. Nông dân trồng lúa ở Mỹ phải đối mặt với tình trạng tương tự.
Khi các trang trại trồng lúa ở Mỹ phải vật lộn để duy trì lợi nhuận do giá gạo toàn cầu không theo kịp chi phí đầu vào ngày càng tăng, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản tài trợ bổ sung 250 triệu USD.
Ông Michael Klein, Phó chủ tịch truyền thông và xúc tiến nội địa tại USA Rice, nói: “Những chương trình này tồn tại chỉ để giúp những người nông dân khỏi rơi vào tình trạng khó khăn, vì đó sẽ là một thảm họa lớn”.