Theo bản tin của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhờ giá lúa tăng mạnh và thị trường tiêu thụ tốt nên diện tích trồng lúa ở Sóc Trăng đã mở rộng.
Đáng chú ý, một số diện tích trồng sen, cây hoa màu khác đã được nông dân chuyển đổi sang trồng lúa. Kế hoạch vụ hè thu 2023, Sóc Trăng xuống giống 138.000ha, nhưng thực tế diện tích trồng lúa đạt gần 141.000ha. Riêng vụ thu đông tăng gần 4.000ha so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch vụ đông xuân 2023 - 2024, Sóc Trăng xuống giống khoảng 171.000ha.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh sẽ sản xuất 281.000ha lúa vụ đông xuân, sản lượng ước đạt hơn 2,3 triệu tấn, cao nhất cả nước.
Do tỉnh có nhiều vùng có đặc điểm khác nhau (như ngập lũ không sâu, ngập lũ sâu và nước rút chậm, vùng ven biển…) nên việc sản xuất được tính toán hợp lý để vừa né hạn, mặn, vừa né rầy nâu. Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ cơ giới hóa đồng bộ việc sản xuất nhằm rút ngắn thời gian gieo sạ, đồng thời triển khai các giải pháp thủy lợi để phòng chống hạn, mặn.
Lưu ý diễn biến thời tiết nhiều bất thường
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay, mùa mưa ở ĐBSCL kết thúc vào giữa tháng 11/2023 và hạn, mặn sẽ xuất hiện vào tháng 12/2023, sớm hơn 1 tháng so với trung bình nhiều năm. Tháng 10 và 11/2023, tổng lượng mưa của vùng ĐBSCL thấp hơn khoảng 10 - 20% so với trung bình nhiều năm, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL năm nay cũng thấp 10 - 20%. Hiện tượng El Nino nhiều khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024, dự báo hiện tượng xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn năm trước.
Tiền Giang là tỉnh thường xuyên chịu tác động của tình trạng hạn, mặn sớm, nhưng năm nay ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp thích ứng, như xuống giống đồng loạt 44.760ha lúa vụ đông xuân từ đầu tháng 11; khuyến cáo nông dân trồng lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, mặn tốt; chuyển đổi gần 830ha trồng lúa ở nơi thiếu nước tưới sang trồng các loài cây khác phù hợp hơn.
Ngành nông nghiệp cũng tập huấn cho người dân các biện pháp chăm sóc cây trồng vào mùa hạn, mặn; khuyến cáo tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bổ sung các chất trung, vi lượng để tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm vào mùa khô…
Chủ động lịch thời vụ vụ đông xuân
Vụ đông xuân tới, toàn vùng ĐBSCL sẽ gieo sạ 1,475 triệu ha, giảm 3.690ha, năng suất ước đạt 7,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn, giảm 20.000 tấn so với cùng kỳ. Đặc biệt, để đảm bảo vụ lúa chính trong năm tại ĐBSCL đạt thắng lợi trên các mặt, ngay từ tháng 9/2023 Bộ NNPTNT đã đề xuất lịch thời vụ xuống giống cho vùng này.
Cụ thể, vùng ĐBSCL sẽ có 3 đợt xuống giống cho vụ lúa đông xuân sắp tới, gồm: đợt 1 sẽ bắt đầu gieo sạ từ ngày 10 đến 30-10 tới; khung lịch thời vụ này dành cho những vùng ven biển Nam Bộ như các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước ngọt vào cuối vụ sản xuất do bị xâm nhập mặn và hạn hán. Diện tích gieo sạ đợt 1 khoảng 375.000ha, chiếm khoảng 25% trong tổng số diện tích lúa đông xuân theo kế hoạch của vùng.
Đối với đợt 2 sẽ bắt đầu từ ngày 1 - 30/11 và đây là thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, giữa và ven biển; với diện tích gieo sạ đạt khoảng 700.000ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích lúa đông xuân theo kế hoạch. Còn đợt 3 sẽ bắt đầu từ ngày 1 - 31/12, và đây cũng là thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, giữa và ven biển; với diện tích khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích theo kế hoạch. Ngoài ra, một số vùng có thể xuống giống đông xuân muộn hơn khung lịch thời vụ trên nhưng phải đảm bảo kết thúc gieo sạ trước ngày 10/1/2024.
Từ đề xuất khung lịch thời vụ trên, Bộ NNPTNT đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chủ động bố trí lịch xuống giống cho người dân phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình, trong đó cần linh hoạt xuống giống sớm cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay việc xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch khuyến cáo sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển. Đồng thời, tình hình xuất khẩu gạo đang tốt, việc thu hoạch sớm sẽ tranh thủ được thời cơ này.
Nhóm giống lúa chủ lực khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt được khuyến cáo gieo trồng như: OM 18, OM 5451, OM 4900, OM 6976, Jasmine 85, Đài thơm 8, Hương châu 6, OM7347, IR50404, Nàng hoa 9…
Để vụ đông xuân sản xuất thắng lợi, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung đề nghị các đơn vị chuyên môn trực thuộc bộ, các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng theo kế hoạch, nhất là phần diện tích xuống giống sớm ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL để tránh hạn, mặn. Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; bố trí nguồn lực để nạo vét kênh, mương...
Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, giá gạo vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Nguyên nhân của là do lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần. Theo tính toán nhu cầu của các nước trên thế giới rất nhiều, trong đó có các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia hay Trung Quốc.
Năm 2024 được dự báo vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nguồn cung thiếu hụt và các nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường trên thế giới.