EU đã cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên vào tháng 6/2022 và đưa ra một số điều kiện để nước này được tiếp nhận chính thức, bao gồm giải quyết nạn tham nhũng tràn lan và cải cách tư pháp.
Tổng thống Zelensk đã chỉ ra những bước tiến mà Ukraine đã đạt được và thừa nhận rằng nước này cần phải làm nhiều việc hơn để “thích ứng với các tiêu chuẩn của EU”.
Đã có một số lời kêu gọi từ nước ngoài, bao gồm cả từ Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham về việc Ukraine nên tiến hành một cuộc bầu cử như một bằng chứng về những cải cách của các thể chế dân chủ ở Ukraine.
Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna nói với Reuters hôm thứ Hai rằng Ukraine đang hy vọng nhận được sự đánh giá "tích cực" của Liên minh châu Âu về tiến trình cuối cùng để trở thành thành viên EU của nước này.
Vị quan chức Ukraine cho biết Kiev đã thực hiện tất cả các cải cách cần thiết. Dự kiến, một báo cáo được công bố hôm nay sẽ báo hiệu sự khởi đầu của các cuộc đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU, bắt đầu vào tháng 12.
Ukraine đã nhận được tín hiệu rằng các cuộc đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) có thể bắt đầu vào tháng tới, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Ông Kuleba đã nói với các phóng viên sau cuộc họp với các ủy viên châu Âu tại thủ đô Brussels của Bỉ rằng: “Ukraine đang đứng trước quyết định của Hội đồng châu Âu về việc mở các cuộc đàm phán vào tháng 12 năm nay”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine lưu ý rằng có "sự đồng thuận chính trị chung" giữa các thành viên Ủy ban châu Âu về việc đáp ứng mong muốn của Ukraine trong việc khởi động các cuộc đàm phán để trở thành thành viên.
Ủy ban Châu Âu dự kiến sẽ đưa ra khuyến nghị về việc có nên mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine hay không vào ngày 8/11.
Quyết định cuối cùng về các cuộc đàm phán sẽ được Hội đồng châu Âu đưa ra vào tháng 12.
Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU sẽ kéo dài nhiều năm vì các ứng cử viên phải đáp ứng các tiêu chí kinh tế và pháp lý sâu rộng trước khi gia nhập. EU, hiện có 27 quốc gia thành viên, cũng không sẵn lòng tiếp nhận một quốc gia đang có chiến tranh.