Chị Nguyễn Thị An (32 tuổi), ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết chị và đồng nghiệp đang rất "hóng" lương, thưởng Tết. Chị An là viên chức làm ở đơn vị sự nghiệp có thu, vì thế đơn vị làm được thì có ăn, không làm được nhân viên đói.
"Mấy năm trước bảo dịch Covid-19, kinh tế khó khăn đã đành, nay hết dịch mà kinh tế vẫn khó khăn gấp bội. Vừa mới họp tổng kết các ban các văn phòng, cơ quan kêu năm nay khó khăn, làm ăn bết bát. Nếu cứ đà này là không có thưởng Tết năm 2024", chị An chia sẻ.
Đại diện đơn vị cũng mới tuyên bố, đơn vị cắt giảm chi tiêu để ứng phó với khó khăn. Tiền lương giảm, nên câu chuyện có thưởng Tết năm 2024 không vẫn chưa có câu trả lời.
Có thể thấy không riêng gì khu vực tư, ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực công cũng rơi vào tình cảnh khó khăn, doanh thu giảm, hoạt động bị gián đoạn. Điều này khiến tài chính giảm, lương thưởng Tết vì thế nhiều khả năng cũng giảm theo.
Mới đây, một Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng 2023 của Ngân hàng UOB cũng cho thấy có đến 51% người lao động lo ngại sẽ bị mất tiền thưởng; 48% sợ bị giảm lương; 47% sợ bị mất việc;…
Đánh giá của Bộ LĐTBXH tương đối khả quan về triển vọng tình hình thị trường lao động quý III và quý IV/2023, tuy nhiên trên thực tế số liệu tình hình việc làm, cũng như con số lao động thất nghiệp không mấy khả quan.
Cụ thể, trong quý III/2023, cả nước ghi nhận 1,079 triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, tăng 6.300 người so với quý 2/2023. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm nhiều khiến lao động sa thải, hoặc tự sa thải khi tiền lương thấp, không đủ sống.
Năm 2023 thưởng Tết Dương lịch giảm, bằng 91% so với năm 2022 (bình quân là 1,24 triệu đồng/người). Trong khi đó, tiền thưởng tết Âm lịch tăng 11% so với tết Âm lịch năm 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là 1,004 tỷ đồng, thuộc về một doanh nghiệp dân doanh ở TP Đà Nẵng.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp gặp khó lương chưa chắc đã có nói gì tới thưởng Tết. Tuy vậy, ở góc độ nào đó, doanh nghiệp vẫn sẽ nỗ lực để có thưởng Tết cho người lao động vì đây là truyền thống.
"Mặt khác, tiền thưởng cũng là cơ sở để giữ chân người tài, tính toán nhân sự. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc có những doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự không có đủ tiền trả lương chứ nói gì đến thưởng Tết cho công nhân, lao động", ông Huân nói.
Theo nhận định chung, nhiều khả năng năm nay vẫn sẽ xuất hiện các doanh nghiệp "trắng" thưởng Tết năm 2024. Qua ghi nhận, khối ngành đang gặp khó khăn nhất là khối ngành công nghiệp, chế biến chế tạo (chiếm 42%), tiếp theo là các hoạt động dịch vụ khác... Do vậy, đây cũng sẽ là những nhóm ngành khả năng gặp khó khăn trong việc lo thưởng Tết cho công nhân, lao động.
Để chuẩn bị cho công tác báo cáo tình hình lương thưởng Tết năm 2024, mới đây Bộ LĐTBXH đã có công văn gửi các địa phương, các đơn vị, khu công nghiệp đề nghị gửi báo cáo về việc thực hiện chế độ tiền lương năm 2023 và tiền thưởng Tết năm 2024 cho người lao động tại các doanh nghiệp. Thời gian gửi báo cáo hết ngày 25/12 tới.
Chia sẻ về thông tin thưởng Tết năm 2024, ông Tống Văn Lai - Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) nhận định: "Tình hình kinh tế năm nay tốt hơn nên có thể lương, thưởng của người lao động tăng nhưng tăng mức nào phải chờ các địa phương công bố, dựa vào số liệu báo cáo từ doanh nghiệp".
Tuy vậy, theo ông Lai, rất khó để có thể dự báo về tình hình thưởng Tết năm 2024 và nhiều khả năng vẫn phải chờ báo cáo tổng hợp từ địa phương, thì sau đó Bộ LĐTBXH mới đưa ra thông tin cụ thể được.
Ông Lai cũng cho biết thêm, hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiền thưởng Tết, việc thưởng Tết cho người lao động hiện nay áp dụng theo quy định về tiền thưởng tại Bộ Luật Lao động năm 2019.
Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Như vậy, việc trả tiền thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện mà chỉ là điều khoản khuyến khích của người sử dụng lao động. Việc thưởng nhiều hay ít sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.
Hình thức thưởng Tết cho người lao động tùy thuộc vào văn hóa doanh nghiệp cũng như điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp, bao gồm thưởng bằng tiền, hiện vật. Nhiều doanh nghiệp thưởng tết bằng chính sản phẩm mà doanh nghiệp mình sản xuất.
Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay khi người lao động không hoàn thành công việc theo quy định, họ hoàn toàn có thể không nhận được thưởng Tết. Bởi vậy, bức tranh lương, thưởng Tết năm 2024 sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị nhất là quý IV/2024.