Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, 3 sào cải bắp của bà Phạm Thị Oanh ở thôn Lũy Dương, xã Gia Lương (Gia Lộc) đã bắt đầu vào cuốn. Phải đến hơn chục ngày nữa, ruộng cải bắp này mới được thu hoạch nhưng thương lái đã đặt mua với giá 8 triệu đồng/sào.
Bà Oanh chia sẻ: “Trồng rau vụ đông sớm tuy vất vả nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình chúng tôi bởi rau cho thu nhập cao gấp nhiều lần lúa. Mặc dù bán non nhưng trừ các khoản chi phí tôi vẫn thu lãi từ 4,5 – 5 triệu đồng/sào cải bắp”.
Tại vùng rau màu xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), nông dân cũng bắt đầu thu hoạch rau vụ đông sớm. Bà Nguyễn Thị Miến có hơn 1 mẫu trồng su hào. Hiện những ruộng su hào đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch. Thương lái mua cả ruộng su hào với giá 3.000 đồng/gốc. Mỗi sào ruộng, nông dân trồng khoảng 2.500 gốc, với mức giá này, bà con thu được 7,5 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi khoảng 4 triệu đồng/sào.
Thu lãi từ 4 – 5 triệu đồng/sào rau vụ đông sớm là niềm vui với nhiều nông dân. Tuy nhiên với thương lái, lại chưa hẳn như vậy. Theo một số thương lái, việc tiêu thụ rau không được thuận lợi như nhiều năm trước.
Chị Nguyễn Thị Hoa, thương lái ở xã Hưng Đạo cho biết: “Từ đầu vụ, tôi đã mua non khoảng 20 mẫu su hào của nông dân trong xã và các địa phương lân cận. Vào thời điểm này những năm trước, trời đã chuyển rét nên tiêu thụ rất thuận lợi nhưng năm nay thì khác. Mỗi gốc su hào mua với giá 3.000 đồng, nhưng thời tiết ấm nên rất nhiều củ nhỏ hoặc bị nứt, buộc phải bỏ”.
Trồng gối lứa tiếp
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm nay, nông dân Hải Dương trồng hơn 6.500 ha cây vụ đông sớm, tăng gần 1.000 ha so với cùng kỳ năm trước. Cây vụ đông sớm thường trồng từ khoảng giữa tháng 8 đến đầu tháng 10 trên diện tích rau hè thu hoặc lúa mùa trà sớm đã thu hoạch, chủ yếu là cải bắp, su hào, su lơ, bí xanh, bí đỏ và một số loại rau ăn lá.
Rau vụ đông sớm thường thu hoạch vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 và cho giá trị cao hơn cây trồng chính vụ. Hải Dương là một trong những vựa trồng rau màu lớn ở khu vực miền Bắc và cung cấp rau cho nhiều tỉnh, thành phố.
Vừa thu hoạch đợt su hào sớm đầu tiên, ông Nguyễn Văn Thuận ở xã Lê Lợi (Gia Lộc) đã nhanh chóng làm đất để trồng tiếp vụ rau su lơ. Thời tiết thuận lợi nên chỉ trong 1 ngày, ông đã hoàn thành việc làm đất và gieo trồng đợt rau tiếp theo.
Ông cho biết, nếu trồng lứa rau vụ đông cực sớm thì ngoài đợt rau chính vụ, nông dân còn trồng được thêm lứa rau phục vụ thị trường tiêu dùng dịp cuối năm. Như vậy, thông thường vào vụ đông, nông dân sẽ trồng được từ 2 – 3 lứa rau. Ngoài rau vụ đông sớm thì lứa rau cận Tết cũng thương mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên thời điểm đầu và cuối vụ đông thời tiết thất thường nên nông dân thường phải chịu nhiều rủi ro, chi phí chăm sóc từ 3, 5 – 4 triệu đồng, tăng gấp rưỡi so với chi phí chăm sóc rau chính vụ.
Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ đông năm nay, thời tiết cơ bản thuận lợi nên diện tích rau vụ đông sớm nhiều hơn so với mọi năm. Giá bán tương đối cao nên nông dân phấn khởi. Đây là điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, đặc biệt là rau ưa lạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nông dân cần đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao chất lượng và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản.