Dân Việt

Quản lý loài thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm: Bài học từ công tác bảo tồn các loài rùa biển

Song Anh 15/11/2023 16:28 GMT+7
Việt Nam có đường bờ biển trải dài hơn 3.260 km cùng hàng ngàn đảo xa bờ, là nơi cư trú của nhiều loài rùa biển như: rùa da, rùa xanh/vích, đồi mồi, quản đồng và đồi mồi dứa,… Các loài vật này hiện đang được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã hình thành khu bảo tồn biển với các hoạt động cứu hộ rùa biển, bảo vệ các bãi đẻ, trứng rùa.

"Thánh địa" của rùa biển

Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được ghi nhận là nơi có môi trường sinh sống và đang thực hiện tốt công tác bảo vệ rùa biển. Số rùa biển về đẻ trứng tại Côn Đảo chiếm 90% số lượng rùa biển của Việt Nam.

Quản lý loài thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm: Bài học từ công tác bảo tồn các loài rùa biển - Ảnh 1.

VQG Côn Đảo phát triển du lịch gắn với bảo tồn qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức của du khách về bảo vệ rùa biển. Ảnh: Hoàng Phước.

Vườn quốc gia Côn Đảo hiện có 18 bãi cát có rùa mẹ lên đẻ trứng, mùa đẻ trứng tập trung từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Trung bình mỗi năm, có trên 450 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo làm tổ, đẻ trứng. Vào những tháng cao điểm mùa rùa đẻ trứng, một số bãi biển lớn như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre Lớn, mỗi đêm có khoảng 30 đến 40 rùa mẹ lên làm tổ đẻ trứng. Qua đó, Vườn đã cứu hộ, ấp nở và thả về biển khoảng 150.000 rùa con hằng năm.

Là nơi có nhiều rùa biển chọn bãi đẻ, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã triển khai hàng loạt các chương trình bảo tồn rùa biển như: nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển; bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; xây dựng trại giống…

Bên cạnh đó, nhiều chương trình hành động đã được triển khai và duy trì như đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước rùa biển; tuần tra, kiểm soát, san lấp vệ sinh bãi đẻ, di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, tạo trạm ấp trứng an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, 9 tháng của năm 2022, Hạt Kiểm lâm Vườn cứu hộ, di dời về các hồ ấp nhân tạo 2.510 tổ rùa biển, thực hiện ấp nở thành công 1.586 tổ, thả về biển 122.867 cá thể rùa con; bấm thẻ theo dõi 402 cá thể rùa mẹ lên các bãi cát thuộc vùng biển Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng.

Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết mỗi năm đơn vị đón trên 300 tình nguyện viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố cùng nhiều nhóm chuyên gia, khách quốc tế tham gia vào công tác bảo tồn rùa biển. Hiện, Ban Quản lý Vườn tổ chức cho du khách đến tham quan, trải nghiệm xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển và nghe thuyết minh viên kể chuyện về rùa biển, tuyên truyền cộng đồng chung tay bảo vệ, bảo tồn và phát triển rùa biển.

Tạo môi trường thuận lợi cho rùa biển sinh nở

Để bảo vệ sinh cảnh các bãi đẻ của rùa biển, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã ban hành Quy định Bảo vệ sinh cảnh, bãi đẻ của rùa biển gắn với hoạt động bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo. Trung bình mỗi tháng đơn vị phục vụ khoảng 700 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm xem rùa đẻ trứng.

Quy định này được thực hiện nhằm mục đích tăng cường bảo vệ rùa mẹ, rùa con mới nở và trứng trên các bãi đẻ; hạn chế ở mức thấp nhất sự bất lợi từ tự nhiên và con người ảnh hưởng đến rùa mẹ, sức sinh sản của chúng ở các trạm bảo tồn và một số bãi theo dõi; nghiên cứu các đặc tính sinh thái và đặc tính sinh vật học để bảo tồn chúng được tốt hơn.

Quản lý loài thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm: Bài học từ công tác bảo tồn các loài rùa biển - Ảnh 2.

Cá thể rùa biển lên đẻ trứng.

Từ năm 1987, huyện Côn Đảo đã có thông báo cấm di chuyển các loại thú rừng, đồi mồi, rùa biển kể cả các sản phẩm được chế biến từ các loài thú đó ra khỏi Côn Đảo. Năm 1989, huyện Côn Đảo ban hành Chỉ thị về việc bảo vệ ngư trường, tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các bãi biển và vùng biển xung quanh Côn Đảo. Năm trạm kiểm lâm được thành lập ở các đảo nhỏ có rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập bất hợp pháp, khai thác trái phép rùa biển.

Trạm bảo tồn rùa biển được thành lập còn nhằm mục đích nghiên cứu những đặc tính sinh thái và đặc tính sinh vật học để bảo tồn rùa biển hơn; đồng thời, đưa ra các giải pháp bảo tồn hiệu quả và giảm thiểu tối đa các động bất lợi của tự nhiên và con người đến rùa biển. Đến năm 1994, Côn Đảo là nơi đầu tiên triển khai một cách có hệ thống chương trình bảo tồn rùa biển, thông qua việc nghiên cứu các đặc tính sinh thái và mô hình – phương pháp bảo tồn rùa biển.

Nhằm truyền tải sâu rộng thông điệp bảo vệ rùa biển, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn rùa biển, bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Côn Đảo được thực hiện như: sản xuất phim tài liệu, phóng sự, bảng tuyên truyền, pa-nô, áp phích về bảo vệ rùa biển và ký cam kết bảo vệ rùa biển tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện; phổ biến tài liệu giáo dục về bảo tồn rùa biển trong các cấp tiểu học, trung học cơ sở và khách du lịch, cộng đồng cư dân trên đảo.

Ghi nhận những thành công, đóng góp trong công tác bảo tồn, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã hai lần xác lập kỷ lục cho Vườn Quốc gia Côn Đảo vào năm 2009 các danh hiệu: "Nơi nuôi ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam;" "Vườn quốc gia duy nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu có đầy đủ các dạng sinh thái." Vườn Quốc gia Côn Đảo là đơn vị đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên mạng lưới "Bảo tồn Rùa biển khu vực Ấn Độ Dương-Đông Nam Á" (IOSEA), trở thành tổ chức thứ 11 của mạng lưới này. 

Quy định quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm

Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó quy định quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm.

Theo đó, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm.

Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I khi đáp ứng các tiêu chí sau:

1- Mang nguồn gen quý, hiếm để bảo tồn, chọn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc chứa chất hoặc hoạt chất có tác dụng sinh học đặc hiệu được sử dụng làm nguyên liệu điều chế các sản phẩm thuốc phục vụ ngành y tế hoặc có khả năng sinh lợi cao khi được thương mại hóa hoặc giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã hoặc có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên.

2- Số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 5 năm tiếp theo.

Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm II khi đáp ứng các tiêu chí sau: Đáp ứng tiêu chí được quy định tại (1) nêu trên; số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 20% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá; hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 20% trong 05 năm tiếp theo.