Sau khi báo Dân Việt đưa tin về vụ giáo viên gây "choáng" khi muốn phụ huynh đăng ký gói điện thoại 240.000 đồng/tháng cho cô sử dụng, dư luận rất quan tâm và trở thành đề tài "nóng" được mổ xẻ trên khắp các diễn đàn.
Cụ thể, nhiều phụ huynh có con học lớp 2D, Trường Tiểu học Đồng Kỵ 2, phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đã phản ánh một số vấn đề không hài lòng về giáo viên chủ nhiệm của mình là cô giáo N.N.A như đòi hỏi phụ huynh phải đóng gói cước 240.000 đồng/tháng cho cô sử dụng, xé vở học sinh vì em làm chậm, quên không mang về...
Mặc dù vụ việc gây ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh và nhiều lần phụ huynh lớp 2D, Trường Tiểu học Đồng Kỵ 2, phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết đã kiến nghị thay giáo viên, nhưng khi PV liên lạc với giáo viên và hiệu trưởng để làm rõ vụ việc thì không nhận được câu trả lời.
Liên quan đến nội dung trên, chiều 10/11, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Tùng, Phó trưởng phòng GDĐT Từ Sơn. Ông Tùng cho biết đã nắm bắt được thông tin vụ việc. Lãnh đạo Phòng cũng chỉ đạo xác minh làm rõ vụ việc. Hiện tại phòng đã mời hiệu trưởng, giáo viên làm việc.
Nói về mong muốn của phụ huynh đổi giáo viên, ông Tùng cho biết: "Phòng sẽ xem xét cụ thể vụ việc rồi mới quyết định".
Được biết, ngày 9/11, đại diện phụ huynh lớp tiếp tục có buổi trao đổi với nhà trường và cô A. nhưng chưa đi đến thống nhất. Ngày 10/11, đại diện phụ huynh lớp được mời lên trụ sở UBND phường để làm rõ thông tin. Trước đó, UBND phường cũng đã có buổi làm việc riêng với nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, tập thể lớp mong muốn nhà trường đổi giáo viên để phụ huynh yên tâm cho con em đi học, thay vì nỗi ngay ngay ngáy con đến trường bị cô giáo có những hành vi ảnh hưởng đến tâm lý.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Chu Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: "Cô giáo này có nhiều hành vi chưa đúng.
Trách nhiệm của cô giáo là trao đổi với phụ huynh và giải quyết thông tin chứ không thể nói nhà không có mạng internet nên không trả lời. Một giáo viên có trách nhiệm với công việc là phải xử lý tất cả vấn đề liên quan đến học sinh, phải hỗ trợ học sinh tối đa và liên lạc thường xuyên với phụ huynh.
Khi bắt học sinh chép phạt thì phải ở lại để quản lý các em chứ không phải bỏ về trước. Nếu không may học sinh bị vấn đề gì thì không ai có thể xử lý được.
Nếu học sinh học chậm, kém hơn các bạn, cô giáo phải kèm thêm, thực hiện hoạt động tăng cường để cho học sinh hiểu chứ tuyệt đối không được có hành động vi phạm đến nhân phẩm của người học như xé sách vở".
Theo TS Nhung, khi thấy giáo viên có hành động chưa đúng, phụ huynh nói chuyện thẳng thắn với cô giáo. Trong trường hợp cho cô giáo cơ hội sửa sai nhưng cô không sửa được, phụ huynh có quyền phản ánh với nhà trường và báo chí".
Tuy nhiên, TS Nhung cũng cho rằng, việc thay đổi giáo viên lập tức là điều rất khó. "Để đảm bảo ổn định lớp và trường học, không nên đổi giáo viên khi cô đang phụ trách lớp. Phải giải quyết hài hòa vì cô là nhà giáo dục dễ dàng có thể thay đổi. Nếu cô bị đổi sang lớp khác thì ảnh hưởng đến uy tín của cô cũng như đánh giá của đồng nghiệp không tốt, phụ huynh lớp khác cũng khó chấp nhận cô vào thay.
Nhà trường, phụ huynh và giáo viên phải trao đổi để đưa ra giải pháp phù hợp. Chỉ trong trường hợp cô giáo vi phạm đạo đức, bạo hành đến mức nào đó mới đổi giáo viên".