Thăng hạng giáo viên năm 2023: Nhiều người hờn tủi, bị loại hồ sơ vì lý do này

Tào Nga Thứ năm, ngày 09/11/2023 10:05 AM (GMT+7)
Các điều kiện về kinh nghiệm, số năm công tác, thành tích... đều đủ để thăng hạng giáo viên năm 2023 nhưng chỉ vì không phải là "giáo viên cốt cán" và "chưa đủ 9 năm đại học" nên nhiều hồ sơ đã bị loại.
Bình luận 0

Nhiều người không đủ điều kiện thăng hạng giáo viên 2023

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về việc không được nộp hồ sơ thăng hạng giáo viên năm 2023, cô N.T.P, giáo viên dạy trường chuyên biệt ở huyện Ba Vì, Hà Nội tâm sự: "Là một giáo viên có thâm niên gần 30 năm, có bằng đại học 16 năm, công tác ở một trường miền núi của Thủ đô, gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số của 13 xã, tôi cùng đồng nghiệp trải qua muôn vàn khó khăn cùng những niềm vui tinh thần, niềm hạnh phúc nghề dạy học. Tôi cũng cố gắng vừa dạy học, vừa tự học nâng cao trình độ chuyên môn, đạt được một số thành tích nhất định. 

Khi có chủ trương thăng hạng cho giáo viên, tôi rất mừng vì mình có cơ hội được ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, sự cống hiến gần 30 năm cho giáo dục miền núi và con em dân tộc thiểu số. Xong niềm phấn khởi bị dập tắt ngay bởi đơn vị tôi lấy căn cứ là "giáo viên có vị trí việc làm" mới được làm hồ sơ xét thăng hạng.

Thăng hạng giáo viên năm 2023: Nhiều người hụt hẫng, tủi thân bị loại hồ sơ vì lý do này - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên không đủ điều kiện thăng hạng giáo viên năm 2023. Ảnh: NVCC

Tôi và nhiều giáo viên trường tôi trong diện, đủ điều kiện nhưng không được làm hồ sơ thăng hạng. Ai cũng thấy hụt hẫng, ngậm ngùi. Trong khi chúng tôi chỉ còn 1 bậc lương nữa là kịch khung. Không được thăng hạng - chúng tôi không có cơ hội được tăng lương - đồng nghĩa với việc: Sự nỗ lực, phấn đấu, cống hiến của chúng tôi không có ý nghĩa. Đời sống giáo viên đã khó khăn, nhất là giáo viên miền núi như chúng tôi mất cơ hội được cải thiện, mất nguồn động viên tinh thần.

Tôi hiểu rằng không phải giáo viên được thăng hạng đều đưa vào vị trí việc làm vì thực tế ở nhiều trường trên địa bàn thành phố, giáo viên đã được thăng hạng không có trong đề án vị trí việc làm của đơn vị. Vì thế chúng tôi thấy thiếu sự công bằng, thiếu nhất quán giữa các thông tư, nghị định và văn bản hướng dẫn việc xét thăng hạng cho giáo viên Hà Nội. Điều đó khiến chúng tôi như bị bỏ rơi trong chủ trương thăng hạng giáo viên".

Chung tâm trạng, cô L.T.N, một giáo viên ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội là một trong số nhiều giáo viên bị từ chối nhận hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp đợt này. Cô N. sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc, nơi còn rất nhiều khó khăn về kinh tế. Trước khi thi đỗ đại học, cô từng đi bán hàng thuê để có tiền ôn thi vì cô chỉ có ước muốn sau này ra trường được đi làm thoát cảnh ruộng nương và nhận đồng lương xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

Năm 2012, cô N. ra trường với tấm bằng đại học chính quy. Cũng trong năm đó, cô N. đỗ viên chức. Cứ nghĩ ở giữa thủ đô sẽ được hưởng lương theo tấm bằng đại học là hạng 3, hệ số 2,34. Thế nhưng cô N. cầm quyết định đỗ viên chức với mức lương trung cấp 1,86. Cô đã hụt hẫng vì đồng lương quá thấp trong khi nhiều bạn bè cùng lớp đỗ viên chức ở các tỉnh khác đều hưởng lương bằng đại học.

Đến năm 2022, cô N. mới được chuyển sang chức danh tiểu học hạng 3 với hệ số lương 2,67, còn các bạn đã chuyển từ hạng 2 cũ sang hạng 2 mới. Như vậy sau 12 năm đi làm, hệ số lương của cô N. chỉ hơn giáo viên vừa đỗ viên chức năm nay đúng 1 bậc lương.

Năm 2023, khi nghe tin có đợt thăng hạng chức danh nghề nghiệp, cô N. vui mừng nhưng rồi hồ sơ của cô bị trả lại không được xét vì "không đủ điều kiện ở mục 6 trong thang điểm 100 của phiếu chấm điểm hồ sơ". Điều kiện ở mục này là chỉ có hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng, giáo viên cốt cán mới đạt điều kiện, còn giáo viên bình thường thì không.

"Giáo viên mới là người vất vả khi phải tiếp nhận công việc của Ban giám hiệu và tổ trưởng giao. Trong khi đó, hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng và giáo viên cốt cán đã được hưởng chế độ theo tháng rồi. Như thế này thì giáo viên vừa vất vả, áp lực lại vừa thiệt thòi", cô N. bày tỏ.

Không chỉ có 2 trường hợp trên, nhiều giáo viên khác cùng chung hoàn cảnh mong được Sở Nội vụ Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, có chính sách kịp thời, đáp ứng nguyện vọng xét thăng hạng để mọi người có thêm động lực cố gắng hết mình. 

Từ việc xét thăng hạng giáo viên 2023: "Hãy để trường học thật sự là ngôi nhà thứ 2 của giáo viên"

Mới đây, hàng trăm giáo viên Hà Nội tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới Bộ GDĐT, Sở Nội vụ Hà Nội để điều chỉnh điều kiện ngay sau khi Sở Nội vụ và Sở GDĐT Hà Nội ra công văn hướng dẫn quy định thăng hạng giáo viên năm 2023.

Hai nội dung giáo viên muốn kiến nghị trong tiêu chí xét thăng hạng giáo viên 2023 là: "xét giáo viên có bằng đại học đủ 9 năm" và "xét giáo viên là hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng và giáo viên cốt cán". Điều kiện này khiến giáo viên cho biết, vô cùng chán nản, hoang mang và thấy như mình đang bị bỏ lại ở phía sau.

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, Phú Xuyên, Hà Nội, đại diện cho hàng ngàn giáo viên thăng hạng ở Hà Nội thẳng thắn chia sẻ với PV báo Dân Việt: "Khi Sở Nội vụ ra công văn 3277 có nhấn mạnh các đơn vị lưu ý đến giáo viên cố cán, tổ phó, tổ trưởng, quản lý... khiến nhiều người "ấm ức". Đứng trên quan điểm cá nhân, tôi thấy như vậy là hợp lý. Vì sao? Vì để trở thành giáo viên cốt cán, tổ trưởng, tổ phó thì cá nhân các giáo viên này đã có một quá trình phấn đấu nỗ lực, khẳng định được năng lực cũng như uy tín. Nếu là giáo viên cốt cán thì phải được Sở ra quyết định công nhận. Bởi vậy, họ được lưu ý hơn là điều không cần bàn cãi. 

Điều tôi chưa nhất trí đó là các cơ sở hiểu chưa hết văn bản, cho rằng chỉ có giáo viên cốt cán, tổ trưởng, quản lý mới được tham gia xét thăng hạng. Và nếu triển khai như vậy là sai. Tôi kiến nghị Sở Nội vụ Hà Nội giải thích rõ cho các cơ sở để giáo viên không có chức vụ có cơ hội tham gia xét thăng hạng chứ không phải tất cả được thăng hạng. Chúng tôi gửi đơn kiến nghị tới Sở Nội vụ Hà Nội, Bộ GDĐT để cùng tháo gỡ vướng mắc cho nhà giáo".

Thầy Đường chia sẻ thêm: "Trường tôi có 40 hồ sơ dự thăng hạng đợt này. Qua vòng xét loại còn 18 hồ sơ. Khi Sở Nội vụ Hà Nội ra công văn 3277, tôi không có chức vụ gì nên bạn tổ trưởng lo tôi bị loại hồ sơ. Tôi nói rằng thứ hạng của tôi nằm trong tâm trí mọi người. Hôm nay có thể chưa đủ minh chứng, ngày mai có thể chưa đủ thăng hạng nhưng thứ hạng của chúng ta đâu chỉ nằm trong quyết định nào đó của Sở? Nó phải nằm trong tâm trí của đồng nghiệp và trái tim học trò.

Tôi mong muốn các hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị hãy làm việc có tâm, xứng tầm để trường học thật sự là ngôi nhà thứ 2 của giáo viên. Để họ mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Đợt thăng hạng này dù được xét hay không thì giáo viên vẫn thấy thoải mái, tâm phục, khẩu phục. Người được thăng hạng cũng không ngại với người không được thăng hạng vì đơn giản là họ xứng đáng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem