Dân Việt

Nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa thăm nhà máy phân bón rộng 75ha của Supe Lâm Thao

Nguyễn Đình Ánh 11/11/2023 15:19 GMT+7
Supe Lâm Thao làm thật, hợp tác thật, hiệu quả thật do đó có thể lợi nhuận chưa cao vì còn phải chia sẻ với hệ thống các nhà phân phối và bà con nông dân. Họ có sống được thì doanh nghiệp mới có thể phát triển đồng hành.

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống đã bày tỏ như vậy khi về thăm Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (gọi tắt là Supe Lâm Thao) vào dịp kỷ niệm tròn 60 năm Công ty bước vào sản xuất, 60 năm đón Bác Hồ về thăm (24/6/1962 - 24/6/2022).

Bất ngờ trước khuôn viên nhà máy ngập bóng cây xanh, công trình xử lý nước thải đoạt giải quốc tế

Đón nhà thơ tại tiền sảnh Nhà hành chính, ông Trần Đăng Khoa đã hồ hởi nói: Lời đầu tiên xin cảm ơn Ban Lãnh đạo Supe Lâm Thao đã rất cởi mở và chu đáo khi trong giấy mời có "chữ ký sống" của đồng chí Tổng Giám đốc gửi đích danh tôi. Cũng vì điều này mà tôi đã ghi ngay vào cuốn lịch để bàn, nhận lời và chủ định xếp lịch lên đây. Tôi muốn tận mắt nhìn thấy Supe Lâm Thao như một đại diện "cánh chim đầu đàn của ngành hóa chất", từng đồng hành cùng cả nước từ vai trò hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước đây, cho đến "Doanh nghiệp phát triển bền vững ASEAN" bây giờ.

Nhà thơ dừng lại và nhìn tôi từ đầu xuống chân một lượt rồi thân thiện vỗ vai: Chú có nét gì đó quen quen như thể chúng ta đã gặp ở đâu đó rồi thì phải? Tôi mới giới thiệu sơ qua về nhiệm vụ làm công tác truyền thông của mình, với 23 năm gắn bó cùng Supe Lâm Thao nên có dịp gặp Nhà thơ, Nhà báo trong một số Diễn đàn Nông nghiệp do Supe Lâm Thao tài trợ và đồng hành với các cơ quan báo, tạp chí Trung ương như Báo Nông thôn Ngày nay, Nông nghiệp Việt Nam, Công Thương, Thương hiệu và Công luận... Nhà thơ ồ lên một tiếng nói đúng rồi, và nhờ tôi dẫn đi thăm một vòng quanh nhà máy. 

"Supe Lâm Thao rộng như cả khu công nghiệp thế này, có dịp "mục sở thị" tôi mới có tư liệu "sống" về đơn vị mình. Nhiều khi thông qua báo cáo hoặc diễn đàn mọi vấn đề cứ bị trau chuốt, tỉa tót, độ chính xác không cao" - nhà thơ nổi tiếng vui vẻ nói. 

Nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa thăm nhà máy phân bón rộng 75ha của Supe Lâm Thao - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả bài viết tại Nhà máy Supe Lâm Thao.

Nhìn rặng cây si già phủ tán cao vút, xanh kín dọc hai bên đường chạy thẳng tắp khu vực sản xuất, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: "Tớ cứ nghĩ đã là nơi sản xuất phân bón Supe lân thì phải bụi mù mịt chứ nhỉ, không ngờ trong này sạch sẽ, mát mẻ và trong lành quá. Tớ hỏi thật, hay là vì hôm nay mời các cơ quan báo chí về dự sự kiện mà Công ty cho tổng vệ sinh theo kiểu "đối ngoại" vậy?".

Tôi thật thà chia sẻ: Vấn đề cải thiện môi trường luôn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Nếu "diễn" chắc giỏi lắm cũng chỉ được vài hôm. Nhà máy Supe Lâm Thao rộng đến mấy kilomet vuông thế này cho nên công tác vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động phải rất bài bản. Đây là công việc thường xuyên và khép vào kỷ luật thép của Công ty suốt nhiều năm liền! 

Sau đó chúng tôi cùng nhà thơ vào thăm khu xử lý nước thải tuần hoàn của Công ty, cùng ngắm nhìn nguồn nước đang chảy mạnh phun ra mặt hồ tạo nên những hố lõm sâu, bọt nước tung lên trắng xóa như những con sóng vờn đuổi nhau về phía bờ bên kia. Toàn bộ nước đưa vào sản xuất rồi được thu hồi về và xử lý nguồn thải tại đây, sau đó quay đầu tái sản xuất, khép kín một vòng. Công trình này từng đạt giải bạc Quốc tế tại Hàn Quốc và Giải nhất Vifotec Quốc gia năm 2017, từng đón nhiều đoàn lãnh đạo bộ ngành về thăm. 

Cũng vì tiếng vang sang tận ngoại quốc như thế nên sau khi đưa vào sử dụng, nhà máy đã đón nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của Nhà nước về thăm. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đánh giá rất cao sáng kiến này của Supe Lâm Thao và động viên, mô hình này cần được nhân rộng ra các khu công nghiệp trên toàn quốc vì đạt tính ưu việt rất cao, vừa tiết kiệm nguồn nước cho sản xuất lại vừa góp phần hạn chế xả thải ra môi trường. 

Nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa thăm nhà máy phân bón rộng 75ha của Supe Lâm Thao - Ảnh 2.

Thay vì đầu tư xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, Supe Lâm Thao áp dụng giải pháp hoàn toàn mới ở Việt Nam và trên thế giới khi sản xuất phân bón Supe Lân theo công nghệ không xả nước thải, không phát sinh chất thải mới.

Lúc bước vào thăm dây chuyền sản xuất Supe lân, chúng tôi giải thích thêm vì sao giờ đây nơi này không còn bụi. Sau nhiều lần cải tiến, công nghệ nghiền quặng Apatit được chuyển đổi từ nghiền khô sang nghiền ướt (làm ẩm trước khi đưa vào hệ thống máy nghiền). Bí quyết nhà máy không còn bụi bặm là từ đó. 

Trước kia, nhà máy sử dụng công nghệ của Liên Xô cũ, sau này tiếp quản lại hầu hết việc cải tạo, nâng cấp, thay thế đều từ "nguồn sáng kiến" của lực lượng kỹ sư các thế hệ của Công ty. Mấy chục năm sản xuất, bám máy trong bụi nghiền khô, mỗi lần máy chạy là khu vực vườn cây xung quanh lá đổi màu phủ bạc, các góc sản xuất không nhìn thấy nhau, cứ mù mịt như sương khói. Nhưng từ khi chuyển đổi sang công nghệ nghiền ướt cả 2 dây chuyền Supe, màu xanh đã bao trùm lên Supe Lâm Thao.

Đến thăm khu vực đang khâu bao và ngắm loạt sản phẩm với mẫu mã mới được cải tiến đẹp mắt, từng dãy bao đang nối nhau chạy trên những băng tải về phía các thùng xe container đưa đi vận chuyển, chúng tôi có dịp chia sẻ thêm với nhà thơ về câu chuyện làm phân NPK vi sinh.

Nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa thăm nhà máy phân bón rộng 75ha của Supe Lâm Thao - Ảnh 3.

Công nhân làm việc tại Nhà máy Supe Lâm Thao.

Trước định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, các doanh nghiệp phân bón trong đó có Supe Lâm Thao buộc phải đổi mới. Bên cạnh dòng phân bón truyền thống, phải nghiên cứu, phát triển thêm các dòng phân bón hữu cơ và vi sinh, thay dần các loại phân vô cơ đang có trên thị trường hiện nay. Bởi lẽ, các dòng sản phẩm phân bón vô cơ sau nhiều năm sử dụng đã bộc lộ mặt trái, đó là làm bạc màu và chai đất. Còn phân bón hữu cơ và vi sinh khắc phục được nhược điểm trên với đặc tính cải tạo đất nổi trội, làm đất tơi xốp hơn sau mỗi mùa vụ.

Theo đó, từ mấy năm trước đội ngũ của Supe Lâm Thao đã âm thầm nghiên cứu, khảo nghiệm 2 dòng sản phẩm phân hữu cơ và vi sinh. Mà không phải đơn thuần là vi sinh trong nguồn hữu cơ thông thường, Supe Lâm Thao phối hợp với Tập đoàn Biwit nổi tiếng của Hoa Kỳ kiến tạo công nghệ nuôi vi sinh ở dạng "ngủ" trong phân bón vô cơ, tạo thành Supe lân vi sinh và các loại NPK vi sinh. 

Khi đem bón cho cây trồng, nhóm vi sinh vật sẽ được đánh thức, tạo nên những dưỡng chất cần thiết cho cây trồng bên cạnh tác dụng lưu lại những mùa sau tạo nền đất xốp.

Nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa thăm nhà máy phân bón rộng 75ha của Supe Lâm Thao - Ảnh 4.

Các sản phẩm mới gồm hai nhóm sản phẩm NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao đang được đông đảo bà con nông dân đón nhận sử dụng. Ảnh: Hồng Liên

Mở rộng thị trường, đưa phân bón Lâm Thao vào phố, siêu thị

Trước những chia sẻ nói trên, nhà thơ Trần Đăng Khoa phân tích: Không chỉ đồng ruộng ở các vùng nông thôn rộng lớn, ngay chính giữa thị trường nội thành Hà Nội, người dân cũng cần phân bón để chăm sóc vườn trên sân thượng, chăm hoa cây cảnh quanh nhà. Tuy nhiên, tôi không thấy có bán loại sản phẩm nào của Supe Lâm Thao? 

"Nếu phân hữu cơ khoáng và vô cơ vi sinh thương hiệu ba nhành cọ xanh này mà làm thị trường thật tốt, thì có lẽ mảnh đất màu mỡ cho thị trường đầu ra đâu chỉ ở ruộng đồng? Phải tìm đường cho phân bón thương hiệu của Supe Lâm Thao vào phố, chiếm lĩnh nhiều góc siêu thị chứ? Chỉ cần đúng chất lượng như hướng dẫn phía sau kèm theo cách thức chăm bón cho nhóm các loại cây từ hoa, cây cảnh đến rau thì quá tuyệt vời…" - nhà thơ tâm đắc nói. 

Nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa thăm nhà máy phân bón rộng 75ha của Supe Lâm Thao - Ảnh 2.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ký tặng tác giả bài viết tác phẩm mới.

"Trong một số tham vấn và trả lời phỏng vấn với các cơ quan truyền thông, tôi đã từng phát biểu rất quyết liệt, đứng về phía bà con nông dân và khối các cơ quan nông nghiệp hoặc khối gián tiếp như doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống vật tư cây trồng: Đích hướng tới của nông nghiệp Việt Nam phải là sản xuất ra hạt gạo chất lượng cao, rau quả chất lượng cao thì số lượng có thể ít nhưng đơn giá có thể cao hơn, đem lại thu nhập xứng đáng cho người lao động đã bỏ công sức chăm bón, gieo trồng. Số lượng nhỏ nhưng giá trị lớn, tìm ra các thị trường lớn quốc tế, thế mới cần đến khoa học, cần đến truyền thông và cải tiến, chuyển đổi công nghệ sản xuất như Supe Lâm Thao mình" - nhà thơ Trần Đăng Khoa phân tích.

Cái câu "Supe Lâm Thao mình" của nhà thơ khiến chúng tôi thực sự xúc động. Supe Lâm Thao làm thật, hợp tác thật, hiệu quả thật, do đó có thể lợi nhuận chưa cao vì còn phải chia sẻ với hệ thống các nhà phân phối và bà con nông dân, họ có sống được thì doanh nghiệp cũng mới có thể phát triển đồng hành. Ngôn ngữ cộng sinh hay liên kết các nhà ngày càng trở nên khăng khít: Nhà quản lý, Nhà sản xuất, Nhà phân phối, Nhà nông.

Ngắt mạch chuyện, sau khi tranh thủ phỏng vấn mấy anh em công nhân vận hành và khâu bao, nhà thơ quay sang tôi "phỏng vấn ngược": Thế còn công tác truyền thông của chú ở đây hiện nay thế nào? 

"Dạ, chúng em cứ mỏi tay viết về các thành tựu, nhất là các "góc đổi mới": Từ đầu năm 2021, Supe Lâm Thao đưa ứng dụng dán mã QR lên bao sản phẩm giúp người sử dụng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm chính hãng, chốnghàng giả, quản lý bán hàng theo vùng và nhất là tổ chức trao giải mã số dự thưởng rất thuận lợi, phát huy tác dụng đa chiều. Bà con nông dân cả nước rất hào hứng tham gia, chỉ cần thao tác vài lệnh đơn giản trên điện thoại là có kết quả ngay. Vì thế, có thời điểm Supe Lâm Thao "cháy lãnh đạo" do sắp xếp lịch về các tỉnh và xuống tận huyện để trao giải thưởng…"- tôi nói. 

Từ trong dây chuyền sản xuất bước ra, chúng tôi đề xuất được chụp tấm hình lưu niệm với nhà thơ, ông bắt tay tôi một lần nữa trước khi lên xe cùng quay ra thăm Khu Công nhân, nơi có thiết chế Văn hóa đặc thù Supe Lâm Thao. Vừa đi, tôi vừa giới thiệu: "Bên trái là chợ Supe Lâm Thao; bên phải là Nhà Đa năng, nơi tổ chức tất cả các sự kiện lớn của công ty và của người lao động (Hội nghị, hội thảo, cưới hỏi…), với sức chứa 1.000 chỗ ngồi. Trên tầng 2 là thư viện, phòng tập yoga, máy chạy bộ… Qua một chút, phía trên là mấy sân bóng chuyền và nhà tập thể dành cho công nhân quê xa lưu trú. Ngoài ra gần đây còn có khu liên hợp thể thao được đầu tư rất bài bản: Sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi, sân khấu ngoài trời, hội trường lớn, sân tenis, bên cạnh đó còn có trường Mầm non... 

Lặng đi một lúc, nhà thơ Trần Đăng Khoa ồ lên: "Đúng là một mô hình của Liên Xô giúp Việt Nam kiến thiết, thật tuyệt vời, vừa vĩ đại vừa không hề lỗi thời. Chính tôi đã trưởng thành từ Học viện Goocky của đất nước Liên Xô sau 6 năm gắn bó. Chúng tôi hiểu về đất nước Liên Xô, con người Liên Xô và cả những thiện cảm của nhân dân hai nước dành cho nhau hơn một nửa thế kỷ qua. Cầu nối cho tình hữu nghị đó không phải ai khác, chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người Đảng viên quốc tế chân chính: Người đã không đề xuất ủng hộ bằng tiền mặt hay vật chất khác, Người muốn Liên Xô trao cho chúng ta công nghệ sản xuất, hỗ trợ cả công tác đào tạo kỹ sư, công nhân vận hành tiến tới bàn giao cho ta làm chủ nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp lạc hậu thời đó. 

Tầm nhìn của một vĩ nhân đã được Supe Lâm Thao hiện thực hóa bằng việc liên tục nỗ lực vun đắp qua nhiều thế hệ, để Supe Lâm Thao luôn vạm vỡ, luôn xứng đáng với biệt danh: "Cánh chim đầu đàn" và với những thành tích được Đảng, Chính phủ, Nhà nước ghi nhận: Đơn vị 3 lần Anh hùng - Huân chương Hồ Chí Minh trong suốt chiều dài lịch sử hơn 60 năm qua". 

Trước khi rời nhà máy, nhà thơ một lần nữa nhắn nhủ: "Từ góc độ cá nhân, xin chúc mừng Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã đạt được những thành tựu to lớn. Và chúng tôi mong Supe Lâm Thao luôn sáng suốt lựa chọn cho mình một định hướng tốt trong phát triển dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên hết, Supe Lâm Thao cần đẩy mạnh hơn nữa, cao hơn nữa việc liên kết với các nhà quản lý, các Nhà khoa học nghiên cứu sản lượng gắn với chất lượng cao nhằm giải phóng sức lao động của công nhân và nông dân lao động, không gì khác ngoài mục tiêu giúp dân ta giàu, nước ta mạnh".