2-3 năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào tình trạng đóng băng, hàng loạt doanh nghiệp lao đao. Theo các chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất các doanh nghiệp đang gặp phải nằm ở vấn đề pháp lý. Vì ngay cả vốn tín dụng, các ngân hàng cũng gần "nới lỏng", sẵn sàng cho doanh nghiệp vay. Tuy nhiên, các dự án được duyệt vay phải hoàn thành thủ tục pháp lý, đúng chuẩn để đảm bảo an toàn, tránh khả năng rủi ro, nợ nấu cho ngân hàng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá vướng mắc về pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Nhiều doanh nghiệp bị vướng thủ tục pháp lý, dự án bị "chôn chân", dừng thi công nhiều năm liền gây lãng phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và tình hình kinh doanh của chủ đầu tư.
Xác định việc tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý phải là mục tiêu cấp bách để thị trường địa ốc sớm phục hồi, tránh ảnh hưởng kinh tế - xã hội địa phương và đời sống người lao động, chính quyền TP.HCM thời gian qua đã có nhiều động thái quyết liệt.
Theo báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường bất động sản vừa qua, UBND TP.HCM cho biết từ cuối năm 2022 đã tổng hợp, rà soát những vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản...
Nhìn chung, lãnh đạo thành phố đánh giá các vướng mắc tại các dự án chủ yếu liên quan đến pháp lý đất đai (giao đất, cấp giấy chứng nhận, nghĩa vụ tài chính…) về bồi thường, điều chỉnh quy hoạch. Đến nay, địa phương đã gỡ vướng điểm nghẽn pháp lý cho hàng chục dự án.
Cụ thể, UBND TP.HCM cho biết các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc dự án bất động sản đa phần đều nằm trong 189 kiến nghị tại 148 dự án mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã tổng hợp, kiến nghị UBND TP.HCM thời gian qua. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.
UBND TP.HCM cho biết để đẩy nhanh quá trình gỡ vướng pháp lý cho dự án, thành phố đã phân loại các kiến nghị thành 5 nhóm. Cụ thể, nhóm 1 là vướng mắc thủ tục đầu tư (gồm 48 dự án, 71 kiến nghị); nhóm 2 là vướng mắc do thanh tra, điều tra, rà soát pháp lý (gồm 21 dự án, 22 kiến nghị); nhóm 3 là vướng đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (gồm 15 dự án, 21 kiến nghị); nhóm 4 là nhóm các sở ngành đã có văn bản hướng dẫn giải quyết (gồm 44 dự án, 52 kiến nghị). Cuối cùng, nhóm các dự án đã xây dựng hoàn thành, vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm 30 dự án, 30 kiến nghị).
Về hướng xử lý trong thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ tập trung giải quyết cho nhóm 1, 5 (36 dự án, 43 kiến nghị). Các nhóm còn lại thành phố sẽ theo dõi, xử lý sau khi có ý kiến của Bộ, ngành, cơ quan trung ương, hoặc khi có kết luận hoặc bản án có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, đối với 30 kiến nghị tại 30 dự án liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên Môi trường đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Bên cạnh đó, đối với 70 kiến nghị của 70 dự án mà Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến đề nghị xem xét, giải quyết, TP.HCM đã tổ chức họp và xem xét khoảng 31 kiến nghị. Trong đó, UBND TP.HCM đã tổ chức họp tháo gỡ cơ bản vấn đề pháp lý cho 1 số dự án.
Đơn cử, dự án The Grand Manhattan của Công ty Cổ phần Phát triển Đất Việt - công ty con của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland làm chủ đầu tư được TP.HCM giao khẩn trương xác định rõ phần diện tích thuộc diện được miễn tiền sử dụng đất; dự án Metro Star ở TP.Thủ Đức, Gamuda Land ở quận Tân Phú được tháo gỡ vướng mắc, đồng ý cho chủ trương bán 50% sản phẩm căn hộ tại dự án Gotec Land ở quận 7...
Chia sẻ với Dân Việt, lãnh đạo một doanh nghiệp đánh giá việc một số dự án bất động sản tại TP.HCM được gỡ vướng pháp lý là tín hiệu tích cực cho thị trường. Đây là trợ lực quan trọng để thị trường vượt qua khó khăn, vực dậy niềm tin của nhà đầu tư và người dân.