Dân Việt

10 đồng cho vay nền kinh tế thì 2 đồng đổ vào bất động sản: Thị trường đang ấm dần

Huyền Anh 13/11/2023 10:09 GMT+7
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, cứ 10 đồng, thì có 2 đồng dành cho bất động sản. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng rất cao (tăng 21,86%), cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước.

Ngày 13/11/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị nhằm triển khai tích cực Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường bất động sản (BĐS) và tín dụng BĐS, trao đổi thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong hoạt động tín dụng BĐS.

10 đồng cho vay, 2 đồng "rót" vào bất động sản, cảnh báo áp lực nợ xấu  - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: TBNH)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, trong hơn 10 tháng qua, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục biến động khó lường phức tạp, hết khó khăn này đến khó khăn khác. Cụ thể, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, chính sách tiền tệ của một số nước vẫn duy trì lãi suất ở mức cao và dự báo còn kéo dài; tăng trưởng kinh tế nhiều nước còn thấp…

Trong nước, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được giữ ở mức thấp, tăng trưởng có sự phục hồi và tăng qua các quý, tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24%. Tuy nhiên vẫn thấp so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Về phía các bộ, ngành trong đó có Bộ Xây dựng, NHNN đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với thị trường bất động sản, Thống đốc cho biết, thị trường này có mối quan hệ với nhiều ngành kinh tế khác. Do đó nếu thị trường bất động sản hoạt động an toàn, bền vững sẽ tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian qua, khi thị trường này gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt các biện pháp, thành lập tổ tháo gỡ khó khăn và đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn.

Gần đây, báo cáo tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể hóa mục tiêu trên, Thủ tướng cũng đã ban hành nhiều Công điện, Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trong đó trong đó có thị trường bất động sản. Gần đây nhất Thủ tướng ban hành Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay khi có công điện này, Thống đốc cho biết, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, tổng hợp số liệu, phối hợp với các đơn vị của Bộ Xây dựng, hai Bộ thống nhất triển khai hội nghị Triển khai Công điện 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị này, Thống đốc mong muốn các ý kiến sẽ tập trung đánh giá tình hình thị trường bất động sản, các giải pháp đã triển khai, điểm nghẽn được tháo gỡ đồng thời đề ra các giải pháp trong thời gian tới. Cùng với đó, cũng đánh giá về tình hình cấp tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời tìm ra giải pháp để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tại Hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp để triển khai tốt gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

10 đồng cho vay, 2 đồng "rót" vào bất động sản, cảnh báo áp lực nợ xấu  - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: TBMH)

Thông tin thêm tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, đến 30/09/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các TCTD đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.

"Cứ 10 đồng, thì có 2 đồng dành cho bất động sản. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng rất cao (tăng 21,86%), cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, điều này có thể cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, theo báo cáo của NHNN đến nay, trên cơ sở danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình của 23 UBND các tỉnh, thành phố, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 1.091 tỷ đồng, cho 03 dự án, số tiền giải ngân đến nay là 105 tỷ đồng. Đồng thời đã cam kết cấp tín dụng cho 02 dự án với số tiền cam kết là 605 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng lưu ý, trước tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân đều bị ảnh hưởng, dẫn tới chất lượng tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý. Tỷ lệ nợ xấu tín dụng bất động sản đến tháng 9/2023 (2,89%) đã tăng so với thời điểm 31/12/2022 (1,72%).

"Tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm trong khi đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất cao, đây là điểm cần chú ý khi cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống, phần nào phản ánh sức mua của thị trường đang giảm so với thời điểm trước", báo cáo của NHNN nêu rõ.

Trong thời gian tới, để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, NHNN đề xuất các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực bất động sản; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản như Nghị quyết 33/NQ-CP và gần đây nhất là Công điện số 993/CĐ-TTg. Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xem xét, công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình và sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đã đủ điều kiện để NHTM có cơ sở xem xét, cho vay.