Sáng nay, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị có sự tham gia của 35 ngân hàng thương mại (NHTM) và 22 doanh nghiệp bất động sản (BĐS), đa phần là các tên tuổi lớn như: Vingroup, Hưng Thịnh, Geleximco, Becamex, Novaland, Him Lam, Sun Group, Masterise, GP.Invest, IMG...
Được giới thiệu là đại diện Vingroup, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes phát biểu cảm ơn NHNN, NHTM thời gian qua đã có rất nhiều chính sách cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn mong được tiếp cận vốn rẻ hơn, thủ tục thông thoáng hơn, tài sản đảm bảo linh hoạt hơn.
Chia sẻ cụ thể, đại diện Vingroup cho hay, hiện các doanh nghiệp BĐS chưa tiếp cận được nguồn vay lãi suất thấp; các khoản vay cũ lãi suất cao. Cùng với đó, room tăng trưởng tín dụng còn hạn chế, nên các ngân hàng vẫn cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay và có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng chấp nhận lãi suất cao.
Về tài sản đảm bảo: Các dự án BĐS vướng mắc về quy trình, thủ tục, nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho các khoản vay nhận tài sản đảm bảo là bất động sản chứ không nhận các loại tài sản khác như trái phiếu, cổ phiếu, máy móc thiết bị. Hơn nữa, tài sản đảm bảo của doanh nghiệp đang thấp hơn giá trị thị trường do thị trường bất động sản đóng băng, không có nhiều giá tham chiếu.
Về các thủ tục khác, theo ông Hoa, mặc dù lãnh đạo các bộ, ngành, NHNN, Chính phủ đều rất ủng hộ, tìm giải pháp gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn còn tình trạng sợ trách nhiệm, gây trì trệ kéo dài thủ tục hành chính tại một số bộ phận cơ quan quản lý nhà nước. "Chậm ngày nào, thêm tháng nào thì doanh nghiệp chịu thiệt hại ngày đấy", ông Hoa nói.
Cho rằng có tới 90% các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, doanh nghiệp rất mong mỏi các khía cạnh về pháp lý mà Quốc hội đang cân nhắc thông qua.
Về các vướng mắc, vị Chủ tịch này cho hay, chúng ta mới đưa ra giải pháp chung, còn các vướng mắc rất cụ thể chưa được tháo gỡ. Ông lấy dẫn chứng như về giải phóng mặt bằng thủ tục kéo dài, cơ chế thu hồi kéo dài,… có dự án 15 năm chưa xong giải phóng mặt bằng.
Về thủ tục đầu tư, theo ông Hiệp hiện 1 dự án phải xin trên 30 con dấu. Điều này bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư FDI.
"Đối tác nước ngoài rất sợ thủ tục đầu tư ở Việt Nam. Đây là cái cần có quy định tư pháp, như một công văn thực hiện trong bao lâu,…", ông kiến nghị.
Doanh nghiệp cũng có ý kiến đề nghị NHNN chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cấp tín dụng. Theo đó, chỉ đạo rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay hiện từ 2-3 tháng xuống dưới 1 tháng.
Về tài sản đảm bảo, nên xem xét thêm lịch sử tín dụng, quá trình trả nợ lành mạnh, giảm hệ số tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp vay dưới 70% tổng số vốn của dự án đầu tư thì nên rút bớt tài sản đảm bảo.
Về phía Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn này nêu ra 2 đề xuất.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản, thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Hai là, trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, đề nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản, đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
"Các nhà thầu, các nhà cung cấp nguyên vật liệu của các dự án hầu như chỉ được ngân hàng cấp tín dụng ngắn hạn dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp cùng khó khăn khi chủ đầu tư gặp khó khăn và gây áp lực thanh toán lên chủ đầu tư. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng có thêm cơ chế kéo dài thêm thời gian vay vốn đối với các nhà thầu thi công, các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho dự án bất động sản lên khoảng 18 đến 24 tháng thay vì chỉ 6-12 tháng như hiện nay, các ngân hàng sẽ cùng giám sát chặt chẽ dòng tiền để thu hồi nợ trước hạn khi doanh nghiệp có dòng tiền về sớm, đảm bảo an toàn dòng vốn cho vay", ông Cường nói.
Về phía tập đoàn Novaland, ông Dennis Ng Teck Yow -Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết khó khăn về pháp lý – chiếm đến 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Nếu không được giải quyết kịp thời, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao.
"Kính đề nghị Chính phủ phối hợp cùng UBND các tỉnh/thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao. Chính phủ và Quốc hội cân nhắc xem xét, kiện toàn Luật đầu tư để Quy trình Đầu tư – Giao đất – Quy hoạch – Cấp phép xây dựng được diễn ra nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn vốn cho xã hội.
Ngoài sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, Novaland mong mỏi chính sách tài khóa chung tay hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giãn thuế năm nay và nửa đầu năm tới.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay, bất động sản là lĩnh vực đặc biệt quan trọng với Vietcombank. Hiện dư nợ bất động sản đang chiếm gần 25% tổng dư nợ của Vietcombank.
Về ý kiến lãi suất cho vay một số ngân hàng còn cao, ông Tùng cho hay, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính của mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao.
Ông Tùng khuyến nghị, các chủ đầu tư cần nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, tập trung vào phân khúc nhu cầu thực… thì mới tạo niềm tin được với các ngân hàng.
Đại diện ngân hàng BIDV và MBBank cũng đồng thuận cho rằng, lãi suất cho vay được điều chỉnh định kỳ 3 tháng, 6 tháng. Do đó, lãi suất hiện nay không còn cao.
"Lãi suất trung và dài hạn khoảng 9-10% đã rất thấp so với thị trường thế giới. Cơ bản các khoản vay là ngân hàng đang hòa vốn, để giảm thì phải có thời gian, khi ngân hàng giảm được giá vốn" – lãnh đạo MB nói.
Về phản ánh thủ tục thẩm định cho vay phức tạp, kéo dài, các ngân hàng cho biết chủ yếu do các vướng mắc về pháp lý của các dự án.
"Ngân hàng hàng kinh doanh rủi ro, do đó rủi ro lớn thì ngân hàng phải thẩm định chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp cũng phải cung cấp chính xác, nhiều khi doanh nghiệp cung cấp các con số cho ngân hàng thì đẹp nhất, cũng gây khó cho ngân hàng. Chúng tôi chứa có động thái nào siết cho vay bất động sản, mà còn mở rộng hơn với cho vay cá nhân", đại diện MB cho hay.