Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chia sẻ như thế tại buổi gặp mặt báo chí giới thiệu về Tọa đàm An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông, tổ chức ngày 13/11, tại TP.HCM.
Buổi gặp mặt báo chí giới thiệu về Tọa đàm do báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) tổ chức.
Buổi Tọa đàm về An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông sẽ diễn ra vào ngày 8/12 tại sân golf Long Biên (Tân Sơn Nhất), số 6 đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Anh - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn là nhu cầu bức thiết và tất yếu của người dân hiện nay.
Tuy nhiên, làm thế nào để có các sản phẩm an toàn từ khâu sản xuất của người nông dân đến hoạt đông mua bán của các thương lái, đến chợ đầu mối cũng như các nhà cung ứng là bài toán đang được đặt ra nhiều năm nay.
Thời gian qua, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi tại nhiều thời điểm đã ở mức đáng cảnh báo.
"Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại", ông Hoàng Anh nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (VIPA), thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… nếu được sử dụng đúng liều lượng, đúng thời gian cách ly, đúng cách sẽ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc lạm dụng các chất này để phục vụ cho các mục tiêu lợi nhuận hay cạnh tranh không lành mạnh đã và đang gây ra rất nhiều hệ luỵ. Điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng và không đáp ứng được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng Việt khi xuất khẩu.
Rất nhiều container sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi vượt ngưỡng an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đã bị trả về. Doanh nghiệp mất tiền, mất công sức, mất uy tín, và nhiều vụ việc còn ảnh hưởng đến cả vị thế hàng hóa Việt Nam.
Thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản nông nghiệp… vốn dĩ có rất nhiều ý nghĩa trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc sử dụng sai cách, thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm để nhằm thu lợi bất chính đã khiến các sản phẩm này bị hiểu sai, hiểu nhầm về công dụng.
Thông quan Toạ đàm sắp tới đây, ông Sơn mong muốn các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu rõ và hiểu đúng hơn về sản xuất nông nghiệp an toàn.
Ngoài ra, việc đưa những thông tin chính thống về các đơn vị vi phạm, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thu lợi bất chính… cũng góp phần giải "nỗi oan" cứ dùng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất kích thích trong sản xuất nông nghiệp là không tốt, là vi phạm, ông Sơn chia sẻ.
Theo Ban tổ chức, Tọa đàm sắp tới sẽ nêu ra thực tế về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, và các giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và các tiêu chí thị trường quốc tế.
Tọa đàm cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng một cách khoa học, đúng quy định.
Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước, Cục Bảo vệ thực vật, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HMC, các doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu góp phần đưa các mặt hàng tiêu dùng, nông sản đến với người tiêu dùng ngày càng an toàn hơn cũng như gia tăng xuất khẩu, Ban tổ chức chia sẻ.