Cục Bảo vệ thực vật nói gì về thông tin 74 mã số vùng trồng và 40 cơ sở đóng gói bị thu hồi?
Cục Bảo vệ thực vật nói gì về thông tin 74 mã số vùng trồng và 40 cơ sở đóng gói bị thu hồi?
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 29/09/2023 14:28 PM (GMT+7)
74 mã số vùng trồng và 40 cơ sở đóng gói bị thu hồi là do phía Việt Nam chủ động thực hiện. Nếu bị các nước nhập khẩu thu hồi thì sẽ rất khó khăn trong việc tháo gỡ, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu nông sản, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 29/9, đã có nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến vấn đề cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của Việt Nam vi phạm kiểm dịch trong thời gian qua.
Theo đó, thời gian vừa qua, Trung Quốc đưa ra cảnh báo nhiều lô hàng vi phạm về kiểm dịch, tuy nhiên các doanh nghiệp, HTX, cơ sở vi phạm không được công khai, điều nay dễ gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến những cơ sở làm ăn chân chính?
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, việc thông báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm không chỉ Trung Quốc mà tất cả các nước nhập khẩu đều thông báo khi phát hiện vi phạm. Khi nhận được văn bản từ phía nước nhập khẩu, Cục BVTV sẽ thông báo cho các địa phương để truy xuất nguyên nhân cũng như đề nghị thực hiện các biện pháp khắc phục, trên cơ sở đó sẽ có báo cáo phản hồi lại phía nước nhập khẩu để tiến hành dỡ bỏ hoặc cho sử dụng lại mã số.
Trường hợp 74 mã số vùng trồng và 40 cơ sở đóng gói bị thu hồi vừa qua không phải từ phía Trung Quốc mà do phía Việt Nam chủ động đề nghị dừng để rà soát lại, yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, trên cơ sở đó có giải pháp tốt hơn để thực hiện các quy định từ nước nhập khẩu.
"Thông tin các mã vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm kiểm dịch đều được Cục BVTV gửi đến các tỉnh. Ngay sau khi có thông tin Việt Nam chủ động thu hồi, phía nước nhập khẩu đánh giá rất cao các biện pháp của chúng ta", bà Hương khẳng định.
Bà Hương cho biết, trên thực tế có hai biện pháp xử lý đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm, đó là nước nhập khẩu chủ động tạm dừng, thu hồi để tăng cường tính minh bạch; thứ hai nước xuất khẩu sẽ tạm dừng và thu hồi. Ở hai trường hợp này, nếu để nước nhập khẩu thu hồi thì việc xử lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian tháo gỡ và phải có nhiều bên vào cuộc, cung cấp lượng hồ sơ rất lớn, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu.
"Thông thường các nước xuất khẩu đều chủ động thu hồi để từ đó chấn chỉnh, hướng dẫn các địa phương khắc phục vi phạm", bà Hương nói.
Phó Cục trưởng Cục BVTV cũng cho biết, cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chủ yếu tuân thủ theo quy định của nước nhập khẩu và thỏa thuận giữa 2 bên. Thời gian tới để thực hiện tốt hơn công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Cục BVTV đang phối hợp với Cục Trồng trọt tham mưu lãnh đạo Bộ NNPTNT, trình Chính phủ xây dựng Nghị định quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đồng thời trình, xây dựng Nghị định xử phạt đối với trường hợp vi phạm để nâng cao tính cảnh báo, răn đe.
Trước câu hỏi liên quan đến trái thanh long và bòn bon bị Vương quốc Anh cảnh báo vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bà Hương cho hay, tháng 4 vừa qua, Cục BVTV nhận được thông báo từ phía Anh sẽ thay đổi biện pháp nhập khẩu. Ngay sau khi nhận thông báo, Cục BVTV đã tổng hợp số liệu kiểm tra xuất khẩu thanh long tại các cửa khẩu, rà soát thông tin cảnh báo thanh long ở thị trường EU và Vương quốc Anh.
Theo đó, Vương quốc Anh chuyển biện pháp kiểm soát thanh long từ Phụ lục 2 sang Phụ lục 1 (không cần phải kiểm soát tại gốc ở Việt Nam mà chuyển sang kiểm soát ở đầu nước nhập khẩu). Tuy nhiên kèm theo đó, phía bạn tăng tần suất kiểm tra lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm từ 20% lên 50% tại cửa khẩu.
Theo bà Hương, việc Vương quốc Anh chuyển thanh long sang Phụ lục 1 chứng tỏ họ đánh giá việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại Việt Nam tốt hơn trước. Tuy nhiên, đề xuất này lại đi kèm việc nâng tần suất kiểm tra ở cửa khẩu lên 50%, thay vì giữ nguyên là 20% như EU. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín mặt hàng thanh long của Việt Nam hơn là biện pháp kiểm soát từ nguồn, đồng thời làm tăng chi phí kiểm tra và lưu kho bãi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.