Dân Việt

Gỡ điểm nghẽn mấu chốt, ổn định cuộc sống cho các hộ dân khu vực dọc kênh rạch tại TP.HCM

Gia Linh 14/11/2023 07:54 GMT+7
Theo các chuyên gia, những vướng mắc trong công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch tại TP.HCM đều có liên quan trực tiếp đến nguồn vốn đầu tư. Đây chính là khó khăn bao trùm, chi phối tiến độ thực hiện dự án.

TP.HCM khó đạt được chỉ tiêu di dời

Liên quan đến công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa tổ chức buổi Hội thảo khoa học với mục đích lắng nghe những ý kiến, góp ý của giới chuyên gia. Tham mưu cho UBND TP.HCM những định hướng, giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong công tác liên quan đến việc bồi thường, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Phạm Bình An cho biết vấn đề di dời nhà ở trên và ven kênh rạch để tạo lập một không gian đô thị xanh, sạch, đẹp một trong những nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo TP.HCM đặt ra.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, mặc dù thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, tiến độ triển khai thực hiện đến nay còn rất chậm.

Giải quyết điểm nghẽn mấu chốt để di dời hàng ngàn hộ dân rạch tại TP.HCM - Ảnh 1.

Nguồn vốn là điểm mấu chốt để di dời nhà khu vực dọc kênh, rạch tại TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hệ thống kênh, rạch nội thành TP.HCM bao gồm 5 tuyến chính với tổng chiều dài hơn 105km, bảo đảm tưới tiêu cho 14.200ha. Tuy nhiên, hiện kênh rạch tại TP.HCM đã bị thu hẹp do phát sinh đến hơn 65.000 căn tổng căn hộ sinh sống ven khu vực (thống kê từ 1993 đến nay).

Được biết, tiến độ thực hiện di dời các nhà dân khu vực kênh rạch như sau: Giai đoạn 1993-2000 đã di dời được 9.266/7.000 căn; 2001-2005 di dời được 15.548/10.000 căn; 2006-2010 di dời được 7.542/15.000 căn; 2011-2015 di dời đuọc 3.350/14.101 căn; 2016-2020 di dời được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4 % so với chỉ tiêu đặt ra.

Trước đó, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 3837/KH-UBND ngày 10/11/2021 về việc tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo với mục tiêu hoàn thành việc bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch đến năm 2025.

Trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt ra mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách. Tất cả bao gồm 3 dự án thực hiện theo mục tiêu kép, vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị.

Giải quyết điểm nghẽn mấu chốt để di dời hàng ngàn hộ dân rạch tại TP.HCM - Ảnh 3.

Tiến độ di dời nhà trên, ven kênh rạch tại TP.HCM còn rất ì ạch. Ảnh: Gia Linh

Cụ thể là các công trình: Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng Rạch Xuyên Tâm; dự án nạo vét, cải tạo Rạch Văn Thánh và dự án cải tạo kênh Hy Vọng quận Tân Bình, cùng 14 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (gồm 8 dự án phê duyệt chủ trương đầu tư công và 6 dự án đã phê duyệt dự án bồi thường).

Tuy nhiên, đánh giá của các chuyên gia, theo tiến độ triển khai cho đến nay, khả năng đến năm 2025, thành phố chỉ mới có thể đạt được 2.867 căn, trên tổng số chỉ tiêu kế hoạch là 6.500 căn (dự kiến đạt tỷ lệ là 44,1%).

Dùng cơ chế đặc thù của TP.HCM giải quyết điểm mấu chốt về nguồn vốn

Tiến sĩ Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch tại TP.HCM thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, trong quá trình triển khai huy động nguồn lực ngoài ngân sách để triển khai chương trình thì gặp phải vướng mắc trong phương thức đổi đất lấy công trình (BT); phương thức khai thác đất tại chỗ sau khi giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch; phương thức khai thác đất đai mở rộng ranh dự án.

Ngoài ra còn có nhiều khó khăn trong khâu chuẩn bị phương án giải tỏa, tái định cư; khâu giải tỏa bồi thường; khó khăn đối với hộ dân chưa có giấy tờ đầy đủ cơ sở pháp lý.

Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh, nhìn chung, những hướng vướng mắc trong công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch hiện nay đều có liên quan trực tiếp đến nguồn vốn đầu tư. Đây chính là khó khăn vướng mắc mang tính bao trùm, chi phối tiến độ thực hiện dự án cần sớm tìm cách tháo gỡ.

Giải quyết điểm nghẽn mấu chốt để di dời hàng ngàn hộ dân rạch tại TP.HCM - Ảnh 4.

Cần đẩy nhanh tiến độ di dời nhà trên, ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

Tiến sĩ Dư Phước Tân đề xuất TP.HCM cần tận dụng một số cơ chế chính sách mới, để giải quyết những bất cập phát sinh. Đáng chú ý, một số điều khoản trong Nghị quyết 98 có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM.

Đầu tiên, trong quy định về quản lý đầu tư, HĐND TP.HCM có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. Thứ hai, trong quy định về tài chính và ngân sách nhà nước, ngân sách TP.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời cải tạo nhà trên và ven kênh rạch.

Các chuyên gia đánh giá, thông qua Nghị quyết 98, nguồn vốn ngân sách đầu tư dành cho dự án giải tỏa, di dời, tái định cư và ổn định cuộc sống cho các hộ dân trên và ven kênh rạch.

Ghi nhận thực tế của Dân Việt, tại TP.HCM, đa phần các nhà trên và ven kênh rạch chủ yếu xây dựng không kiên cố, cơi nới lấn chiếm lòng kênh. Nhiều căn nhà làm từ các vật liệu đơn sơ như gỗ, tôn... đã xuống cấp, lụp xụp, tạo nên quang cảnh nhếch nhác dọc 2 bên bờ các tuyến kênh, rạch.

Điều đáng nói, đây là nơi cư ngụ của rất nhiều gia đình 3-4 thế hệ sống chen chúc và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro có thể đổ sập xuống lòng kênh, không đảm bảo điều kiện sống, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, gây mất mỹ quan đô thị.