TP.HCM: Người dân đau đầu tìm phương án về quê đón Tết
TP.HCM: Người dân đau đầu tìm phương án về quê đón Tết
Gia Linh
Chủ nhật, ngày 12/11/2023 17:45 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá vé máy bay ngất ngưởng, vé tàu hỏa, xe khách cũng neo ở mức cao..., nhiều người lao động tại TP.HCM phải cân đo, đong đếm, tính toán phương án làm sao tiết kiệm chi phí nhất để có thể về quê đón Tết.
Còn khoảng 3 tháng nữa là Tết nguyên đán 2024, nhiều người dân tại TP.HCM đã bắt đầu suy nghĩ đến phương án về quê đón Tết để sum họp cùng gia đình.
Chị Thu Hương (42 tuổi, thợ may) cho biết gia đình chị từ Thanh Hóa vào quận 9 cũ (nay là TP.Thủ Đức) lập nghiệp đã lâu. 5 năm qua, do gánh nặng cơm áo gạo tiền, chăm lo chi phí cho con cái học hành, vợ chồng chị đã không về quê đón Tết cùng bố mẹ. Tuy nhiên, bố chị Hương bất ngờ bệnh nặng nên Tết năm nay chị dự định sẽ đưa các con về quê thăm ông bà.
Qua thăm dò giá vé máy bay trên mạng xã hội, chị Hương không giấu được sự lo lắng. Giá vé máy bay Tết từ TP.HCM - Thanh Hóa cao chót vót, gia đình 4 người nếu bay khứ hồi phải mất hơn 20 triệu đồng. Trong khi đó, nếu đi tàu hỏa thì sẽ tốn khoảng 14-15 triệu, vé xe khách thì cũng tốn khoảng 10 triệu.
"Vợ chồng tôi chỉ là người lao động bình thường. Chồng thì làm thợ xây, vợ làm may vá. Cả năm cố gắng lắm cũng chỉ vừa đủ lo cho con cái học hành, tiền tích lũy không được mấy đồng. Nên khoản chi phí về quê là áp lực không hề nhỏ với chúng tôi. Đây chỉ mới là chi phí đi lại, chưa kể các khoản quà Tết, thuốc men, tiền biếu ông bà mua sắm Tết... Chỉ nghĩ đến đó đã khiến tôi đau đầu.
Tôi đang phân vân có nên về quê hay không. Mười mấy triệu để đi lại đó, nếu không về quê tôi có thể biếu bố mẹ để mua thuốc men. Tuy nhiên, bố tôi bệnh nặng rồi, nếu năm nay không về thì không biết còn được mấy dịp gặp bố...", chị Hương thở dài.
Trường hợp khác, Thanh Thiên (sinh viên năm cuối trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) cho biết mình đang cố gắng làm thuê công việc phụ bán quán cà phê để dành dụm chi phí trang trải cuộc sống và có tiền về quê đón Tết.
Sinh viên này do biết do mùa màng thất bát nên nửa năm qua, bố mẹ đã cắt giảm tiền trợ cấp mỗi tháng từ 3 triệu xuống chỉ còn 1,5 triệu đồng. Khoản tiền này chỉ vừa đủ để đóng trọ. Học phí thì từ đầu năm bố mẹ đóng, còn các khoản ăn uống, sinh hoạt phí, quần áo..., cô phải tự cố gắng đi làm thêm để xoay sở.
"Đặc biệt, tôi phải ráng dành dụm tiền để mua vé xe Tết sớm. Cận Tết giá vé xe cao lắm, nhiều khi không còn chỗ. Giá vé xe Tết về Hà Tĩnh cũng gần 2 triệu đồng nên tôi phải cố gắng đi làm thêm. Tôi cũng tính đến phương án nếu không đủ tiền, tôi sẽ xin đăng kí các chuyến xe 0 đồng hỗ trợ sinh viên xa nhà về quê đón Tết của TP.HCM", Thiên cho hay.
Chuyển hướng đi các phương tiện giá rẻ
Thực tế, sau một năm bôn ba, mưu sinh làm việc tại TP.HCM, nhiều người xa quê chỉ mong tranh thủ những ngày Tết để về quê xum họp, đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp không có đơn hàng phải cắt giảm nhân sự, nhiều người phải thắt chặt kinh tế để lo từng bữa qua ngày thì chi phí đi lại về quê ngày Tết trở thành áp lực không hề nhẹ.
Khảo sát của Dân Việt, giá vé máy bay, tàu, xe... trong dịp Tết Nguyên đán đang ở mức khá cao, gấp nhiều lần so với ngày thường. Giá vé máy bay Tết nhiều chặng từ TP.HCM về các địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đà Nẵng... đang dao động mức từ 3-10 triệu đồng/vé, tùy từng hãng bay và từng hạng vé. Riêng với tàu hỏa, giá vé tàu Tết cao nhất (giường nằm chặng Sài Gòn - Hà Nội) là 2.950.000 đồng, giá vé tàu Tết thấp nhất (ghế ngồi chặng Sài Gòn - Hà Nội) khoảng 1.950.000 đồng. Riêng giá vé ghế phụ sẽ bằng khoảng 80% giá vé thấp nhất chặng Sài Gòn - Hà Nội (dao động mức 1,5 triệu đồng).
Trong khi đó, vé xe khách từ TP.HCM đi các tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán, dù các bến xe chưa công bố kế hoạch bán vé Tết cụ thể nhưng được dự báo cũng sẽ tăng khoảng 40% so với ngày thường. Như vậy, để về quê đón Tết, chỉ tính riêng chi phí đi lại, mội người phải bỏ ra hàng triệu đồng, đó là chưa kể các chi phí phát sinh liên quan.
Trong bối cảnh đó, nhiều người cho biết vẫn sẽ thắt lưng buộc bụng, cố gắng dành dụm để mua vé về quê. Vé máy bay đắt nên họ sẽ chuyển hướng đi các phương tiện rẻ hơn. Một số khác thì trông chờ vào các chuyến xe, đoàn tàu thiện nguyện, miễn phí hỗ trợ công nhân, sinh viên. Và cùng không ít người lựa chọn việc ở lại TP.HCM ăn Tết để tiết kiệm chi phí, chăm lo cho gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.