Lái xe ô tô BKS 51K-020.07 mới gây ra vụ tai nạn liên hoàn trên đường Nguyễn Văn Tăng (phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức, TP.HCM) bị tạm giữ có nồng độ cồn cao trong khí thở.
Xem clip do camera ghi lại, chiếc xe ô tô 5 chỗ vọt lên tông thẳng dòng người đang đi xe máy, đâm sập tường nhà dân rồi mới dừng lại.
Một em sinh viên 18 tuổi bị chết oan.
Theo dõi các luồng thông tin trên báo chí và mạng xã hội lâu nay, một số người cho rằng đặt ngưỡng nồng độ cồn cho phép khi lái xe là 0% (tương đương 0 miligam/100 mililít máu hoặc 0 miligam/1 lít khí thở) là cứng nhắc, không cần thiết, một lượng rượu bia nhỏ có thể không ảnh hưởng đến khả năng lái xe của họ (?).
Nhưng hiểu như thế nào là nhỏ và như thế nào là lớn?
Thật ra, không có một ngưỡng nồng độ cồn nào là an toàn khi lái xe. Mỗi người có một cơ địa và một phản ứng khác nhau với rượu, bia. Một số người có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác khi uống cùng một loại hay một lượng rượu, bia.
Rồi nồng độ cồn trong máu cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cân nặng, giới tính, tuổi tác, thời gian uống, lượng thức ăn ăn cùng, loại rượu bia, và tình trạng sức khỏe cá nhân.
Và một số người khác lại cho rằng cấm tuyệt đối lái xe uống rượu bia, có nồng độ cồn là rất cần thiết, hợp lý, bởi một lượng rượu bia nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là khi kết hợp với các yếu tố khác như mệt mỏi, stress, thuốc lá, thuốc an thần, hay thời tiết.v.v..
Thế nên, việc đo nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chỉ là một cách đánh giá tương đối và cũng không thể nào phản ánh tuyệt đối chính xác mức độ ảnh hưởng của rượu, bia đến sức chịu đựng cơ thể và lái xe của từng người.
Theo Luật số 44/2019/QH14 về Phòng, chống tác hại rượu, bia do Quốc hội ban hành, người điều khiển phương tiện giao thông tuyệt đối không được điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều này có nghĩa là ngưỡng nồng độ cồn cho phép khi lái xe là 0 miligam/100 mililít máu hoặc 0 miligam/1 lít khí thở.
Quy định này nhằm mục đích bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu tai nạn do ảnh hưởng của rượu bia.
Bởi theo nhiều nghiên cứu y khoa, rượu bia ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều kỹ năng lái xe quan trọng, như khả năng phản ứng, hiểu và phán đoán tình huống, phối hợp các động tác và cả tầm nhìn.
Một khi người lái xe tiếp tục tiêu thụ nhiều hơn, lượng cồn trong máu sẽ làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, định hướng và điều khiển vận động. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ đối với bản thân người lái xe mà còn hiểm họa đối với những người xung quanh.
Việc các quốc gia cấm hoặc hạn chế sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện là đã cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từng yếu tố, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể để phù hợp nhất.
Cho nên, để bảo đảm an toàn giao thông, mỗi người khi lái xe nên tự chịu trách nhiệm với hành động của mình và tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, dù chỉ là một lượng nhỏ hay lớn.
Quan trọng nữa, ngoài biện pháp xử lý nghiêm bằng các quy định, chế tài mang tính pháp lý, cơ quan hữu quan cần quyết liệt nhiều giải pháp khác để giảm thiểu tai nạn giao thông gồm cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông sao cho an toàn, thông suốt và hiệu quả; cũng như tăng cường yêu cầu, trang bị an toàn cho phương tiện. Đặc biệt là khâu tuyên truyền, giáo dục phổ biến về an toàn giao thông cần quan tâm một cách đầy đủ.