Dân Việt

Thanh Hóa đầu tư hơn 13,5 tỷ đồng thực hiện chương trình khuyến nông năm 2024

T.S 15/11/2023 12:50 GMT+7
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình khuyến nông năm 2024. Chương trình có tổng kinh phí dự kiến hơn 13,5 tỷ đồng, trong đó đặt mục tiêu xây dựng và nhân rộng 23 loại mô hình ở các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

Thanh Hóa đầu tư hơn 13,5 tỷ đồng thực hiện chương trình khuyến nông

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tiến tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ mới, công nghệ mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Thanh Hóa đầu tư hơn 13,5 tỷ đồng thực hiện chương trình khuyến nông năm 2024 - Ảnh 1.

Vụ Xuân 2023, Công ty CP Phát triển nông nghiệp và Khuyến nông Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng theo chuỗi giá trị hàng hóa tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ”. Dự án được triển khai tại 4 huyện, gồm xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), xã Trường Xuân (Thọ Xuân), xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) và xã Định Tiến (Yên Định) với quy mô 80 ha và 262 hộ tham gia. Ảnh: TTKNQG

Về mục tiêu cụ thể, đối với công tác thông tin tuyên truyền, sẽ xây dựng và phát sóng 129 chuyên mục khuyến nông, 15 bản tin trên chương trình thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; xuất bản 3.000 cuốn nông lịch; 4 số tập san thông tin Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 5.645 tờ poster về hướng dẫn khoa học kỹ thuật; xây dựng 2 bộ phim khoa học kỹ thuật; tổ chức 19 cuộc hội thảo đầu bờ nhân rộng mô hình; 3 diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp.

Đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo và tập huấn, sẽ tổ chức 18 lớp bồi dưỡng tập huấn và đào tạo cho khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông và nông dân; 10 lớp tập huấn FFS cho cộng tác viên khuyến nông và nông dân tại các địa phương trong tỉnh.

Đặc biệt, kế hoạch đề ra mục tiêu xây dựng và nhân rộng 23 loại mô hình trình diễn khuyến nông về lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về tính chính xác, tính pháp lý, thẩm quyền phê duyệt của nội dung tham mưu, thẩm định, số liệu báo cáo và việc đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn về nghiệp vụ để các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện Chương trình khuyến nông tỉnh Thanh Hóa năm 2024, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; đồng thời, theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động theo dõi, hướng dẫn và giải quyết các công việc liên quan đến việc tổ chức thực hiện của các đơn vị theo quy định. 

Được biết, từ khi thành lập đến nay, Khuyến nông Thanh Hóa đã sản xuất được 2.280 chuyên mục khuyến nông phát sóng trên Đài PTTH Thanh Hoá. Đặc biệt từ năm 2015 trở lại đây các chuyên mục truyền hình đều được dịch ra tiếng Mông và tiếng Thái phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Nội dung tuyên truyền chủ yếu về các chủ trương chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, các biện pháp canh tác, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giới thiệu các mô hình sản xuất điển hình ở khắp mọi nơi đến với người làm nông nghiệp, giới thiệu các quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cây trồng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, giải đáp những khó khăn, vướng mắc... Tư vấn giúp người nông dân tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao hơn trên cùng đơn vị diện tích, đặc biệt là chuyển giao nhanh các kiến thức và tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp cho nông dân. Từ đó, nâng cao được năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi và giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, thời gian tới Khuyến nông Thanh Hóa sẽ tiếp tục bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chiến lược phát triển, quy hoạch ngành nông lâm nghiệp tại các địa phương cùng nhu cầu của nông dân để lựa chọn nội dung hoạt động khuyến nông. 

Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nhằm thúc đẩy, nhân rộng các mô hình nông lâm nghiệp hiệu quả; phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng ứng dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng kháng sinh, tạo sản phẩm an toàn; mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng của địa phương; phát triển giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt. 

Đồng thời xây dựng và triển khai các mô hình trình diễn nuôi thủy sản gắn với xử lý môi trường, ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản nhằm bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên nước; đẩy mạnh xúc tiến xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm... Từ đó vừa tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động tại khu vực nông thôn...