Chị Nguyễn Thị Minh Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh (thôn Phúc Hòa, xã Đồng Cốc, Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, lúc mới thành lập năm 2021, hợp tác xã (HTX) có 8 thành viên. Hiện nay, HTX đã có 22 thành viên, trong đó có 6 thành viên nữ, 12 thành viên là người dân tộc thiểu số.
Hiện nay HTX sản xuất chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích là 25 ha, trong đó vải thiều là 15 ha (sản xuất và đạt chứng nhận VietGAP), còn lại là 10 ha trồng các loại như táo, ổi, hoa cúc chi, rau công nghệ cao. Ở lĩnh vực chế biến, HTX có 1 xưởng sản xuất Mỳ Chũ truyền thống tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương và 01 xưởng chế biến nhỏ để sấy hoa cúc chi, trà dược liệu, sấy vải thiều tại thôn Trường Sinh, xã Tân Quang.
"Chúng tôi đang cố gắng ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất, đặc biệt là cải tạo đất, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón vi sinh, tạo thuốc BVTV sinh học để hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ trong sản xuất. Mô hình như dưa lê, dưa chuột, hoa cúc chi… của HTX hiện nay hoàn toàn dùng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV sinh học để sản xuất. Điều đặc biệt, hiện nay HTX cũng đã làm chủ được kỹ thuật tự sản xuất chế phẩm vi sinh và kỹ thuật bón hợp lý cho một số loại cây trồng", chị Thùy cho biết.
HTX Lục Ngạn Xanh ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất theo hai cách. Một là, mua chế phẩm vi sinh gốc của Học viện Nông nghiệp Việt Nam sau đó sử dụng để ủ, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hoặc nhân nuôi vi sinh. Hai là, chủ động tạo và nhân nuôi chế phẩm vi sinh bằng nguồn vi sinh vật bản địa.
Các nguyên liệu ban đầu là đường (rỉ mật mía, rỉ mật vải hoặc đường kính), cám gạo, men rượu, hoa quả chín sẵn có (đu đủ, dứa, chuối,..), sữa chua (hết hạn sử dụng), nước. Các nguyên liệu trên được trộn, ủ trong thùng, phồm kín từ 15 – 20 ngày sẽ tạo ra một lượng chế phẩm vi sinh. Chế phẩm này được dùng để tiếp tục nhân nuôi thành phiên bản tiếp theo.
HTX dùng chế phẩm này pha với nước sau đó tưới lên rác, phù phẩm nông nghiệp (cây chuối, cỏ,…) để giúp phân giải nhanh hơn tạo mùn cho đất và cải tạo đất hoặc ủ với cá hoặc đỗ tương, thân chuối, hoa quả hư hỏng để tạo nguồn phân hữu cơ chất lượng cao cho cây trồng. Ủ với các loại khác như ớt, gừng, cây có vị đắng, để tạo ra nguồn thuốc BVTV sinh học, khi phun lên cây hoa cúc chi, ổi, dưa sẽ xua đuổi sâu hại, cắt đứt vòng đời sinh trưởng của một số loại sâu hại trên cây trồng.
Với cách làm này, nông dân sẽ giảm được chi phí mua phân bón, thuốc BVTV, đặc biệt là giảm sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất, tăng sử dụng nguồn phụ phẩm để tạo nguồn phân bón tại chỗ. Ước tính chi phí sử dụng phân bón giảm ít nhất 20%.
Chị Thùy cho biết, trong bảo quản sản phẩm, HTX đã kết hợp với công ty thử nghiệm ứng dụng công nghệ bảo quản MAP để kéo dài thời gian tươi của quả vải thiều.
Hiện nay HTX đang có một máy sấy điện với công suất sấy nhỏ. Máy sấy điện của HTX hiện phù hợp để sấy nhiều loại rau củ quả dược liệu khác nhau mà Lục Ngạn đang sản xuất. HTX cũng thử nghiệm dùng công nghệ này để sấy nhiều loại như sả, chuối, hồng, hoa cúc chi, cỏ ngọt, bạc hà, vỏ vưởi, rau để làm mỳ chũ rau củ.
Hiện nay, HTX đang tập trung làm chủ yếu sản phẩm chế biến đó là vải sấy, mỳ Chũ truyền thống, trà dược liệu sấy (hoa cúc chi, cỏ ngọt, bạc hà). Đây là nhóm sản phẩm HTX có thế mạnh về vùng nguyên liệu, kiểm soát được mức độ an toàn nguyên liệu đầu vào, có quy trình chế biến hoàn thiện, sản phẩm có chất lượng tốt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Từ quá trình xây dựng và phát triển HTX Lục Ngạn Xanh trong 3 năm qua, chị Thùy đề xuất một số giải pháp có thể ưu tiên hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp như HTX hiện nay đó là:
Hỗ trợ HTX xây dựng mô hình bài bản về sử dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất, tự chủ động phân bón, chuẩn hóa công thức dinh dưỡng, cách sử dụng phù hợp, khoa học; hỗ trợ nhân rộng mô hình trên địa bàn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững.
Hỗ trợ chuyên gia tư vấn giỏi và chuyển giao công nghệ chế biến sâu một số loại sản phẩm nông sản của HTX như sản phẩm chế biến từ vải thiều, hoa cúc chi.
Hỗ trợ tập huấn, chuyển giao KHKT cho thành viên HTX, cán bộ phụ trách kỹ thuật của HTX Lục Ngạn Xanh trên cơ sở nhu cầu thực tế của nông dân và HTX.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức sự kiện Techfest tỉnh Bắc Giang năm 2023 phát biểu khai mạc. Nguồn: Báo Bắc Giang.