Dân Việt

Được cấp chứng nhận ASC xuất khẩu nghêu, Tiền Giang thành vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới

Trần Khánh 15/11/2023 17:19 GMT+7
Huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) trở thành đơn vị thứ 4 của Việt Nam đạt Chứng nhận Tiêu chuẩn Quốc tế ASC về nuôi thuỷ sản bền vững, cũng là vùng nghêu thứ 4 trên thế giới được chứng nhận ASC, mở ra cơ hội phát triển bền vững và xuất khẩu

Ngày 15/11, Tổ chức chứng nhận Control Union chính thức trao trao giấy chứng nhận quốc tế ASC cho vùng nuôi nghêu do Ban Quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông quản lý.

Gỡ khó cho nghề nuôi nghêu Tiền Giang

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn Bãi đã được Control Union đánh giá vào ngày 30 và 31/8/2023, và đã được cấp Giấy Chứng nhận ngày 7/11/2023.

Theo Ban Quản lý Cồn bãi, toàn bộ phía Đông của huyện Gò Công Đông có đường bờ biển dài hơn 32km, có 2 cửa sông lớn là Cửa Tiểu và Cửa Soài Rạp.

Giữa 2 cửa sông này hình thành cồn cát tự nhiên với diện tích nuôi khoảng 2.200ha, thuận lợi cho các loài 2 mảnh vỏ sinh sản và phát triển. Trong đó, nghêu chiếm tỷ trọng lớn trên diện tích cồn cát.

Vùng nuôi nghêu tại huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Ảnh: NVCC

Vùng nuôi nghêu tại huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Ảnh: NVCC

Ông Tạ Khắc Khuyên – Trưởng Ban Quản lý Cồn bãi cho biết, nghêu ở đây là nghêu sinh sản tự nhiên. Từ lâu, người dân quản lý, chăm sóc thu hoạch trên diện tích nuôi và nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trong những năm 2017-2022, nghề nuôi nghêu gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi: Gió thổi bất thường, độ mặn không ổn định, bùn lỏng nhiều. Và nhất là việc nghêu chết thường xuyên vào cuối mùa gió chướng do môi trường nước không tốt ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của nghêu nuôi.

Ông Đào Văn Quân, người nuôi 20ha nghêu ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) cho biết, thiên nhiên ưu đãi thì người nuôi nghêu mới có lãi. Gặp thời tiết bất lợi, nghêu chết nhiều, nông dân lỗ nặng, thậm chí trắng tay.

Khi chuẩn bị vào giai đoạn đạt kích cỡ để bán mà nghêu chết hàng loạt, người nuôi bị thiệt hại lớn do không thu hồi vốn để tái sản xuất cho vụ nuôi tiếp theo.

Thêm nữa, đa phần hộ nuôi nghêu gặp khó khăn trong việc bán nghêu. Bởi vì thương lái tại địa phương ít, nguồn vốn hạn hẹp; doanh nghiệp xuất khẩu nghêu cũng không nhiều nên đầu ra của thị trường hạn chế, ông Quân nói.

Người nuôi nghêu Tiền Giang thường xuyên đối diện rủi ro do thời tiết bất thường. Ảnh: NVCC

Người nuôi nghêu Tiền Giang thường xuyên đối diện rủi ro do thời tiết bất thường. Ảnh: NVCC

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, diện tích nuôi nghêu ở Gò Công Đông mỗi năm đạt 18.000–20.000 tấn thương phẩm, cung cấp chủ yếu cho chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), một số thương lái tại địa phương và các điểm bán lẻ trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Thực tế những năm qua, nghề nghêu của huyện còn gặp không ít khó khăn do sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng thương hiệu, chưa có nhà máy chế biến. Nghêu Gò Công Đông cũng chưa liên kết thị trường tiêu thụ, mà chủ yếu tiêu thụ qua thương lái nên giá cả không ổn định, thiếu tính bền vững.

Chìa khóa giúp nghêu Tiền Giang phát triển bền vững

Bà Trần Thị Bé Bảy – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành nông nghiệp vùng với UBND huyện đã thảo luận trên cơ sở so sánh điều kiện thực tế so với sự phù hợp theo các tiêu chuẩn MSC, ASC.

Tiền Giang đã thống nhất lựa chọn xây dựng ASC cho vùng nghêu của Ban Quản lý Cồn bãi với diện tích 311ha, cùng với sự hỗ trợ Trung  tâm  Hợp tác  quốc  tế  nuôi  trồng  và  khai  thác  thủy  sản  bền  vững  (ICAFIS), và Tổ  chức OXFAM.

Diện tích nuôi nghêu ở Gò Công Đông mỗi năm đạt 18.000–20.000 tấn thương phẩm. Ảnh: NVCC

Diện tích nuôi nghêu ở Gò Công Đông mỗi năm đạt 18.000–20.000 tấn thương phẩm. Ảnh: NVCC

Ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc ICAFIS cho biết, đến năm 2019, Việt Nam có trên 41.500ha nuôi nhuyễn thể với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm; trong đó, nghêu đạt 179.000 tấn/năm.

Các sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam được xuất sang 50 thị trường trên thế giới, tạo công văn việc làm cho khoảng 200.000 lao động và đạt giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD vào năm 2022.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản bắt đầu chậm lại từ tháng 12/2022. Các đơn hàng xuất khẩu thủy sản chậm ký mới hoặc bị hủy và xu hướng này kéo dài đến thời điểm hiện nay tại năm 2023.

"Trong hoàn cảnh khó khăn, việc đạt chứng nhận ASC sẽ giúp sản phẩm nghêu Tiền Giang được mở rộng thị trường và tiếp cận được các khách hàng khó tính", ông Lập nói.

Công ty CP Thuỷ sản Gò Đàng là đơn vị tham gia ký biên bản ghi nhớ liên kết chuỗi giá trị nghêu Tiền Giang theo chứng nhận ASC. Ông Nguyễn Anh Nhân, đại diện Công ty Thuỷ sản Gò Đàng cũng cho biết, chứng nhận ASC được ví như tấm thẻ thông hành đưa sản phẩm nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản.

"Vùng nuôi nghêu của BQL Cồn Bãi đạt chứng nhận ASC sẽ giúp cho nghề nuôi nghêu phát triển ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh", ông Nhân nói.

Chứng nhận ASC sẽ giúp cho nghề nuôi nghêu Tiền Giang phát triển ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: NVCC

Chứng nhận ASC sẽ giúp cho nghề nuôi nghêu Tiền Giang phát triển ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: NVCC

Với chứng nhận ASC, nghêu Gò Công Đông, Tiền Giang có cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, đạt chứng nhận hôm nay chỉ là bước khởi đầu cho thương hiệu nghêu Gò Công Đông.

Vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn Bãi là đơn vị thứ 4 của Việt Nam đạt Chứng nhận Tiêu chuẩn Quốc tế ASC, cũng là vùng nghêu thứ 4 trên Thế giới được chứng nhận ASC.

Ông Lê Văn Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy huyện Gò Công Đông

Thời gian tới, huyện Gò Công Đông vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm. Trong đó có việc tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức rõ lợi ích của việc xây dựng thương hiệu nghêu theo ASC, hay các tiêu chuẩn chất lượng khác.

"Phải làm sao để người dân thấy thấy được vùng nuôi nghêu đạt tiêu chuẩn ASC đạt hiệu quả cao hơn, nhất là hiệu quả về kinh tế so với vùng nuôi chưa đạt ASC", ông Sơn chia sẻ.