Chiều 17/11, tại Cung Quy hoạch, Triển lãm và Hội chợ tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra hội thảo chuyên đề "Nông nghiệp tăng trưởng xanh" nằm trong khuôn khổ Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long và các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Việc tổ chức Hội thảo chuyên đề "Nông nghiệp tăng trưởng xanh năm 2023" nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy và gắn kết giữa Việt Nam và Nhật Bản, từ đó định hướng hợp tác phát triển.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện chia sẻ, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh, đóng góp vào mục tiêu chung phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đồng bộ với tăng trưởng xanh phát triển đô thị và công nghiệp dịch vụ hiện đại của tỉnh.
Do đó, thông qua hội thảo chuyên đề "Nông nghiệp tăng trưởng xanh", Quảng Ninh đề xuất với hai Bộ NNPTNT Việt Nam và Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản có thể coi Quảng Ninh là trung tâm hợp tác về nuôi trồng thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu. Qua đó, trở thành hợp tác mẫu mực của hai Bộ Nông nghiệp của hai nước Nhật Bản - Việt Nam và một tỉnh của Việt Nam mà tỉnh Quảng Ninh đăng ký tiên phong đi đầu trong hợp tác này.
Phát biểu về chiếc lược nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp của hai nước có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước thời gian qua đã đóng góp có ý nghĩa vào phát triển nền nông nghiệp Việt Nam và hiện tại Nhật Bản đang đồng hành hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thông qua quá trình thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" để đạt được mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh".
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp Việt Nam cần định vị rõ vai trò nguồn nhân lực trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi tư duy, tiếp cận mới hơn, khác hơn trong xu thế toàn cầu hóa, tri thức hóa, công nghệ hóa, xanh hóa. Đồng thời, cần hoàn thiện quy trình sản xuất, đồng bộ và hệ thống từ tư duy đến hành động.
Đây là hướng đi rất quan trọng và cần có lộ trình, bước đi, có chính sách đầu tư chiến lược, bài bản, dài hơi để tạo ra sự chuyển biến thực sự về chất lượng sản phẩm, gắn với nền nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Ngành nông nghiệp cũng kỳ vọng Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững sẽ được truyền thông lan tỏa để định vị đúng vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ông Maitachi Shoji - Nghị sĩ Thượng viện, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản đã giới thiệu về Kế hoạch hợp tác MIDORI giữa Nhật Bản – ASEAN đang triển khai dựa trên hệ thống thực phẩm xanh và hợp tác nông nghiệp giữa Nhật Bản – Việt Nam với chủ đề “Chiến lược hệ thống thực phẩm xanh và hợp tác Nhật Bản – Việt Nam”.
Trong “Kế hoạch hợp tác MIDORI Nhật Bản - ASEAN” có 22 dự án có thể thực hiện với các nước ASEAN trong thời gian tới. Một số ví dụ có thể kể đến như: Dự án liên quan đến cơ chế tín dụng song phương (JCM) nhằm thúc đẩy giảm thiểu biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp; dự án nâng cao năng suất và giảm giờ làm việc bằng công nghệ lái tự động.
"Năm nay là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà cả trong các lĩnh vực khác và góp phần tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa giữa hai quốc gia" - ông Maitachi Shoji cho biết.
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả của Quảng Ninh và Nhật Bản đã chia sẻ những thông tin hữu ích, cụ thể, thiết thực về tiềm năng thế mạnh ngành nông nghiệp Quảng Ninh, biện pháp cải thiện ngành chế biến thủy sản, tương lai của ngành thủy sản Hokkaido, mô hình liên kết nông nghiệp - phúc lợi, định hướng hợp tác của JICA trong thời gian tới...
Có thể kể đến kiến nghị của bà Phạm Thị Thu Hiền - Giám đốc điều hành Công ty Bavabi. Theo bà Hiền, để cải thiện ngành chế biến nông sản, thủy sản của Quảng Ninh, tỉnh cần tổ chức thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản; cần thu hút đầu tư hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chú trọng tới nhóm sản phẩm chủ lực (nhuyễn thể, tôm, cá,..); tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN... và các thị trường tiềm năng khác.
Bà Hiền cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm và tinh thần hợp tác trong các lĩnh vực: Nuôi hàu công nghệ mới, khai thác và chế biến hàu nói chung và các loài hải sản khác. Hoặc mô hình "Nông nghiệp kết hợp Phúc lợi xã hội" tại Nhật Bản cũng là một chương trình thu hút sự chú ý của các đại biểu tại hội thảo, với mục tiêu không bỏ ai lại phía sau.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình, ông Takebe Tsutomu - cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Việt, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Thủy sản cho biết, mô hình "Nông nghiệp kết hợp phúc lợi xã hội" không chỉ là biện pháp kết nối người khuyết tật với cộng đồng địa phương và xã hội, mà nó còn có khả năng đem lại cho họ niềm yêu thích đối với công việc và nâng cao giá trị của doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người khuyết tật.
Trong 50 năm qua, Nhật Bản đã và đang hợp tác với Việt Nam trên phương diện “phần cứng” như phát triển cơ sở hạ tầng. Trong 50 năm tới, Nhật Bản hướng tới mục tiêu trở thành đối tác 100 năm của Việt Nam trên phương diện hợp tác “phần mềm”, giao lưu Việt-Nhật như kết nối con người với con người, kết nối các địa phương của hai nước thông qua chương trình “Nông nghiệp hợp tác với Phúc lợi xã hội”.