Clip: Các Chi hội trưởng nông dân tâm sự những lời gan ruột về cơ chế đãi ngộ hiện nay. Thực hiện: Văn Ngọc.
Xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La là một trong những địa phương của tỉnh Sơn La thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn NTM năm 2016, xã Chiềng Cọ đã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng NTM nâng cao.
Đến nay toàn xã đã cứng hóa 21,36 km đường trục bản và đường liên bản. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm còn 1%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 37,8 triệu đồng/người/năm.
Để đạt được những kết quả trên có những đóng góp không hề nhỏ của các Chi Hội trưởng nông dân ở các thôn, bản. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cho Chi hội trưởng nông dân còn ở mức thấp chưa tương xứng với những gì mà các Chi hội trưởng đã đóng góp.
Ông Quàng Văn Hưởng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành Phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình nông thôn mới trên địa bàn, Chi hội Nông dân bản đã tích cực vận động hội viên nông dân hiến đất, góp ngày công, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, địa bàn bản rộng, do được sắp nhập từ 2 bản, nên việc đến các cụm dân cư trong bản còn gặp nhiều khó khăn từ kinh phí đi lại đến kinh phí hoạt động. Trong khi đó, số tiền hỗ trợ cho Chi hội Trưởng Nông dân còn rất thấp.
“Chi hội Nông dân bản Hôm có hơn 240 hội viên nông dân, số hội viên khá lớn. Chi hội cũng đã đến từng nhà hội viên để vận động hội viên trong xây dựng nông thôn mới. Nhưng mức hỗ trợ cho Chi hội Trưởng thấp quá, chưa đủ tiền xăng để đi lại. Mong sao cấp trên có cơ chế chính sách hỗ trợ Chi hội trưởng như chúng tôi có kinh phí hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn”, ông Hưởng nói
Còn đối với Chi hội Nông dân bản Bon Nghè, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có 90 hội viên nông dân. Các hội viên nông dân chủ yếu canh tác nông nghiệp như cây cà phê, cây chè, cây mận, cây xoài và chăn nuôi,...
Ông Lò Văn Khoa, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Bon Nghè, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân, bản thân ông Khoa với cương vị là một Chi hội Trưởng Nông dân, bản thân ông luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực vận động hội viên nông dân tập chung áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho hội viên. Tuy vậy, với mức hỗ trợ kinh phí cho chi hội Trưởng như hiện nay còn thấp.
“Bản Bon Nghè, địa hình chủ yếu là đồi núi. việc đi vận động hội viên nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới rất là khó khăn. Hiện tại số tiền hỗ trợ cho Chi hội Trưởng nông dân là rất thấp, thậm chí còn không đủ tiền xăng. Mong muốn các cấp trên tạo điều kiện, hỗ trợ chúng tôi có một phần nào đó để có chi phí đi lại, hoạt động, thực hiện tốt công tác hội ở cơ sở”, ông Khoa nói.
Việc nhiều không xuể nhưng mức hỗ trợ quá thấp
Tương tự, ông Quàng Văn Dũng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Heo Trại, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cũng đang gặp khó khăn trong công tác hoạt động.
Ông Dũng chia sẻ: Bản Heo Trại được sáp nhập tư 2 bản, với số hội viên nông dân đông trên 190 hội viên. Trong quá trình đi vận động hội viên nông dân chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp nâng cao thu nhập còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Với hỗ trợ như hiện nay đối với Chi hội Trưởng nông dân chưa đáp ứng được với công việc.
Với các mức hỗ trợ chi Hội trưởng nông dân hiện nay không đáp ứng được nhu cầu hiện tại công việc của mình bây giờ. Bản thân tôi mong muốn được cấp ủy chính quyền, xem xét, giúp đỡ, tăng thêm phụ cấp cho chi Hội trưởng nông dân chúng tôi.
Còn ông Điêu Chính Trong- người có thâm niên nhiều năm làm Chi hội trưởng chi hội nông dân bản Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: Bản Sơn Pha có 36 hội viên nông dân, đây là bản tái định cư của Thủy điện Sơn La nên còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Các hội viên chủ yếu phát triển nông nghiệp như mía, ngô, sắn. Để nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân.
Với vai trò là Chi hội trưởng nông dân, ông Trong tích cực vận động Hội viên nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, các hội viên nông dân của bản cũng thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
"Việc thì nhiều lắm, thế nhưng mức hỗ trợ thì rất thấp, chỉ đủ tiền xăng đi vận động tuyên truyền thôi. Người dân bản tín nhiệm mình, bầu mình làm thì mình cứ làm thôi. Mong sao cấp trên có cơ chế chính sách tốt hơn để chúng tôi yên tâm làm việc tốt hơn" ông Trong nói.
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay tỉnh Sơn La có 172.024 hội viên sinh hoạt tại 2.248 Chi hội, tương đương với 2.248 chi hội trưởng nông dân. Những năm qua, giai cấp nông dân trong tỉnh Sơn La phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, giúp nhau trong lao động, sản xuất, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng.
Clip: Ông Bạc Cầm Khuyên- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La nói về cơ chế đãi ngộ cho Chi hội trưởng nông dân hiện nay. Thực hiện: Văn Ngọc
Tuy nhiên đời sống của một bộ phận nông dân cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lao động nông thôn còn thiếu việc làm dẫn đến "ly nông, ly hương" tìm kiếm việc làm, trình độ, kỹ năng sản xuất kinh doanh còn thấp và phần lớn chưa qua đào tạo, tư duy chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội.
Vì vậy việc phát huy vai trò của chi hội trưởng nông dân ở cấp cơ sở là rất quan trọng. Nếu phát huy được vai trò của lực lượng chi hội trưởng nông dân không chỉ xây dựng Hội Nông dân ngày càng vững mạnh, mà còn thức đẩy phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
"Chi hội trưởng nông dân là một cấp tổ chức gần gũi với người dân với hội viên nông dân nhất. Chính vì vậy, Chi hội trưởng nông dân có vai trò rất quan trọng, nó là cầu nối mang tiếng nói của Đảng, Nhà Nước truyền đạt đến hội viên nông dân nhanh nhất để triển khai thực hiện tốt. Thứ hai, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, hội viên nông dân là người thực hiện xây dựng nông thôn mới, do đó việc đóng góp của chi hội trưởng trong việc vận động các hộ ngày công lao động, hiến đất, hiến của tham ra xây dựng nông thôn mới. Nếu Chi hội Nông dân nào được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thì việc thực hiện các chính sách của đảng, nhà nước chắc chắn sẽ thành công". Ông Khuyên nói.
Trao đổi với phóng viên, Bà Nguyễn Thúy Ngọc- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Chế độ cho chi hội trưởng là vấn đề mà lãnh đạo HND tỉnh Sơn La nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất trong các buổi họp, tiếp xúc cử tri thời gian qua… Sự hỗ trợ của các cấp dành cho đối tượng chi hội trưởng còn hạn hẹp về kinh phí. Vì vậy, để khuyến khích cán bộ ở cơ sở gắn bó với công tác HND, rất cần sự quan tâm hơn nữa của tỉnh và Trung ương.
Theo nghị quyết 25/2017/NQ-HĐND tỉnh Sơn La về chức danh, số lượng, mức phụ cấp, hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị xã hội ở bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Đối với bản, tiểu khu thuộc xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; bản thuộc xã, thị trấn loại 1 và loại 2: Mức khoán kinh phí hoạt động 1 năm của Chi hội Nông dân là 5.600.000đ, bản có trên 150 hộ ; 5.500.000đ bản có từ trên 100 – 150 hộ; bản dưới 50 hộ là 5.300.000đ. Đối với bản thuộc xã, thị trấn còn lại: Mức khoán kinh phí hoạt động của chi hội nông dân là 4.200.000 đối với bản trên 150 hộ. 4.100.000đ đối với bản từ 100 – 150 hộ, dưới 50 hộ là 3.900.000. (Mức kinh phí này Chi hỗ trợ chức danh: 75%; hỗ trợ kinh phí hoạt động: 25%, con số còn rất khiêm tốn).
Chế độ chính sách cho chi hội trưởng nông dân cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian qua đã có. Tuy nhiên, để đáp ứng hỗ trợ cho chi hội trưởng, chi hội phó hoạt động còn khó khăn. Chế độ cho chi hội trưởng nông dân là vấn đề mà lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Sơn La nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất trong các buổi họp, tiếp xúc cử tri thời gian qua… Đây cũng là vấn đề chung của các tổ chức chính trị như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…
"Như chúng ta đã biết, thời gian qua Chính phủ quan tâm, có nghị định mới có nguồn hỗ trợ cho người không chuyên trách nói chung, trong đó, sẽ có chi hội trưởng nông dân trong đó cũng sẽ được xem xét hỗ trợ và nâng được mức phụ cấp lên để cho hội viên nông dân hoạt động trong thời gian tới. Chúng tôi cũng được tham gia vào những dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh, sẽ có những chính sách hỗ trợ phụ cấp cho chi hội trưởng nông dân. Trong thời gian tới, tôi tin chắc rằng sẽ có những thay đổi, trong việc lãnh đạo chỉ đạo, hoạt động của cơ sở sẽ hiệu quả hơn". Ông Khuyên nhấn mạnh.
Do kinh phí hoạt động của các cấp Hội Nông dân rất hạn chế nên việc hỗ trợ cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để khuyến khích cán bộ ở cơ sở gắn bó với công tác Hội Nông dân, rất cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp.
Chi hội trưởng nông dân cấp cơ sở chính là lực lượng nòng cốt trong việc phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Hội cấp trên đến hội viên nông dân. Phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, bản tổ dân phố... vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và nghĩa vụ công dân với Nhà nước. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động hòa giải tranh chấp trong nội bộ nông dân.
Nòng cốt trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn các tổ hội học tập nâng cao chất lượng và phát triển hội viên, sinh hoạt tổ hội, thu nộp hội phí, xây dựng quỹ Hội. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định và một số nhiệm vụ khác của Chi hội Nông dân theo quy định của Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế đãi ngộ cho lực lượng này còn thấp, chưa phát huy được hết lợi thế, khả năng của đội ngũ này.