Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Đổi mới sinh hoạt Hội nhìn từ các CLB nông dân tỷ phú (Bài 2)
Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Đổi mới sinh hoạt Hội nhìn từ các CLB nông dân tỷ phú (Bài 2)
Thu Hà
Thứ năm, ngày 16/11/2023 06:05 AM (GMT+7)
Mô hình Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hay Chi hội Nông dân tỷ phú ở Hội Nông dân các địa phương là những minh chứng sinh động và thực tế và cụ thể nhất cho việc đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt tổ chức Hội Nông dân các cấp trong nhiệm kỳ qua (2018- 2023).
Hệ thống tổ chức Hội Nông dân Việt Nam không chỉ được tổ chức theo 4 cấp tương ứng với 4 cấp chính quyền (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) mà còn tổ chức đến tận cấp Chi, tổ hội nghề nghiệp; đặc biệt trong 5 năm qua, đã xuất hiện hàng loạt mô hình sinh hoạt mới, đó là các câu lạc bộ (CLB) của nông dân như: CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, CLB tỷ nông dân tỷ phú, CLB nông dân với pháp luật, CLB nông dân với an toàn giao thông, CLB nông dân với chuyển đổi số, CLB nông dân với môi trường...
Sự ra đời của các CLB đã giúp nâng cao rõ rệt chất lượng sinh hoạt của hội viên nông dân theo từng chuyên đề thiết thực, bổ ích, gắn bó chặt chẽ với công việc sản xuất, kinh doanh của mỗi hội viên. Trong đó, CLB nông dân tỷ phú là một trong những mô hình sinh hoạt thành công nhất hiện nay.
Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi- Nơi tập hợp những "bộ não" làm giàu
Tháng 8/2022, Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh huyện Yên Dũng (Bắc Giang) được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế và khát vọng làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương của nông dân nơi đây. Đây là mô hình CLB do Hội Nông dân huyện thành lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Ông Nguyễn Mạnh Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Dũng cho biết: "CLB quy tụ các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, am hiểu kỹ thuật, làm giàu chính đáng. Đây là nơi để giúp đỡ, lan tỏa kinh nghiệm cho nhiều nông dân khác cùng làm giàu".
Ông Chiến cho biết: CLB có 9 thành viên đều là những nông dân tiêu biểu, gương mẫu của huyện, được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh.
Ở CLB Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh huyện Yên Dũng, mỗi thành viên một mô hình, một đam mê làm giàu. Điển hình như ông Nguyễn Văn Mùi, thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu với mô hình nuôi vịt đẻ trứng khép kín. Hiện nay, cùng với chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, ông Mùi còn đầu tư 7 máy ấp trứng giúp nâng cao giá trị thương phẩm, thu nhập ổn định 1,5 tỷ đồng/năm.
Để có được khoản lãi tiền tỷ này, ông Mùi ký được hợp đồng bán trứng cho Công ty Samsung Việt Nam từ năm 2019. Ngoài ra, ông cung cấp trứng cho nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn. Bình quân mỗi ngày, ông và các thành viên trong HTX cung cấp cho Công ty Samsung Việt Nam khoảng 15.000 quả trứng, tương đương 450.000 quả trứng/tháng.
Khẳng định hiệu quả mô hình CLB mang lại, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Dũng cho biết: CLB Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh huyện Yên Dũng bước đầu đã lan tỏa tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu và tạo việc làm cho nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
"Mục tiêu của Hội Nông dân huyện Yên Dũng hướng đến không chỉ dừng lại ở con số 9 thành viên mà sẽ phát triển thêm trong những năm tới"-ông Nguyễn Mạnh Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Dũng cho biết.
Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh là điểm sáng trong việc thành lập các CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Bà Nguyễn Thanh Xuân – Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết: Hội Nông dân TP HCM có 90 CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với tổng số thành viên khoảng 1.800 thành viên. Trong số này, có 35 thành viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương; 208 thành viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Đánh giá cao hoạt động của các CLB, bà Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Các thành viên CLB là những tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ thương mại. Thông qua hoạt động các CLB đã liên kết các hộ sản xuất cùng chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập của nông dân, từng bước hình thành tổ, nhóm liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm.
Hoạt động của các CLB ngày càng có sự lan tỏa, sức lôi cuốn, huy động được sự tham gia tích cực của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Đồng thời, tạo động lực cho hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn cùng với sự ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chi hội Nông dân tỷ phú – Niềm tự hào của Hội Nông dân Bình Dương
Ở Bình Dương, Chi hội Nông dân tỷ phú là niềm tự hào của cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Tháng 4/2023 vừa qua, Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có buổi gặp mặt với Chi hội nông dân tỷ phú Bình Dương tại Hà Nội.
Báo cáo với lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết: Một trong những hoạt động nổi bật trong nhiệm kỳ của Hội Nông dân Bình là đã tổ chức ra mắt Chi Hội Nông dân dân tỷ phú Bình Dương. Theo đó, chi hội không chỉ tập hợp nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên toàn tỉnh mà còn vận động được các doanh nghiệp, nhà khoa học có uy tín tham gia.
Theo ông Đỗ Ngọc Huy, cùng với hàng ngàn nông dân toàn tỉnh, Chi hội Nông dân tỷ phú đại diện cho thế hệ nông dân mới tỉnh Bình Dương. So với các tỉnh thành, lực lượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Bình Dương có sự nổi trội nhất định. Họ tập hợp lại trong Chi Hội Nông dân tỷ phú Bình Dương, hoạt động theo định hướng của Hội Nông dân tỉnh, làm thành lực lượng hùng hậu của nông nghiệp Bình Dương.
Hàng năm, Hội Nông dân Bình Dương tổ chức cho Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương đi học tập kinh nghiệm, mô hình; đồng thời tìm kênh kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản OCOP của Bình Dương với các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình.
Phấn khởi báo cáo với Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, ông Tống Văn Hướng – Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương cho biết: Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương hiện có 67 thành viên tham gia, trong đó có 3 doanh nghiệp, 2 nhà khoa học và hơn 60 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Về quy mô theo lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của thành viên, Chi Hội Nông dân tỷ phú có tổng diện tích cây ăn trái có múi, cây ăn trái đặc sản trên 1.000ha; diện tích sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 50ha; tổng đàn chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 1 triệu con. Cùng với đó là các doanh nghiệp hỗ trợ, cung ứng dịch vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp như: phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp.
Ông Tống Văn Hướng cho biết: Với tiềm lực và quy mô của thành viên, chi hội đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Chi Hội chính là đối tác lớn trong liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản đối với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
Hàng năm, Chi Hội Nông dân tỷ phú Bình Dương sẽ phối hợp tổ chức ít nhất 2 đợt học tập mô hình trong và ngoài nước nhằm mục đích tìm hiểu thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản theo đúng với nhu cầu của thành viên Chi hội.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, các thành viên trong Chi Hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương còn tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn, đời sống văn hóa, tham gia đóng góp các chương trình từ thiện, an sinh xã hội ở địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của cán bộ, hội viên, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, đặc biệt là Chi hội Nông dân tỷ phú đạt được trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch Hội Nông Việt Nam Lương Quốc Đoàn, cùng với Hội Nông dân các cấp, những nông dân giỏi, nông dân xuất sắc, Chi Hội Nông dân tỷ phú là những nhân tố then chốt, mô hình cụ thể nhất để dẫn dắt đông đảo hội viên nông dân cùng phát triển kinh tế. Do đó, Hội Nông dân tỉnh Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cần tiếp tục phát huy vai trò lan tỏa của những nhân tố này trong toàn thể hội viên nông dân tỉnh, thúc đẩy phong trào nông dân ngày càng phát triển hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội NDVN Phạm Tiến Nam trao đổi với các thành viên câu lạc bộ Nông dân tỷ phú xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau ngày 12/8/2022. Ảnh: Chúc Ly.
Cả nước đã có gần 2.000 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp
Mô hình CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hay Chi hội Nông dân tỷ phú ở Hội Nông dân các địa phương là những minh chứng sinh động và thực tế và cụ thể nhất cho việc đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt tổ chức Hội Nông dân các cấp trong nhiệm kỳ qua.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân nhiều địa phương đã sáng tạo, đa dạng mô hình tập hợp, thu hút hội viên phát triển phong trào như thành lập CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, CLB Nông dân tỷ phú, CLB Nông dân phát triển kinh tế với hàng vạn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Tiêu biểu như Hội Nông dân TP Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Bình Dương, Bến Tre, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế… đã thành lập và ra mắt 1.965 CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Ông Phạm Xuân Hồng – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Tổ chức cơ sở Hội là nền tảng của Hội Nông dân Việt Nam ở cơ sở, là nơi trực tiếp giữ mối liên hệ với hội viên, nông dân, là cầu nối giữa Hội với hội viên nông dân, là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết, Chỉ thị của Hội cấp trên….
Theo ông Hồng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hiện nay việc xây dựng tổ chức cơ sở Hội còn có những hạn chế, khó khăn, thách thức. Đó là: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nông dân ở một số nơi còn mang tính hình thức, có nơi triển khai nghị quyết của Hội xuống cơ sở còn chậm. Công tác truyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hội viên nông dân, nhất là cấp cơ sở nhiều nơi còn hạn chế.
Nhiều nơi chất lượng sinh hoạt chi Hội còn thấp, chưa thường xuyên, chậm đổi mới, kém hiệu quả, nội dung sinh hoạt đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu của hội viên nông dân; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp, thậm chí có nơi, có lúc không sinh hoạt.
Một số nơi công tác công tác phát triển hội viên khó khăn, công tác quản lý hội viên chưa chặt chẽ, nhất là hội viên đi làm ăn xa, hội viên lao động trong các khu công nghiệp, chất lượng hội viên chưa cao. Công tác vận động, tập hợp, phát triển hội viên vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo còn khó khăn.
Việc tiếp cận nguồn vốn, huy động nguồn lực của xã hội thông qua các chương trình, dự án, đề án để hỗ trợ cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh còn ít, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển các mô hình chi Hội nông dân nghề nghiệp, tổ Hội nông dân nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Một số nơi chưa thường xuyên nắm bắt việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn bức xúc nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân và quan tâm tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề hỗ trợ Nông dân để nâng cao chất lượng hội viên và phát triển hội viên mới.
Để khắc phục những hạn chế trên, ông Hồng cho biết: Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội các cấp Hội Nông dân đã đa dạng phương thức tập hợp hội viên, tổ chức sinh hoạt Hội thông qua các mô hình mới như: CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; CLB nông dân tỷ phú; CLB nông dân với chuyển đổi số, CLB nông dân với pháp luật; CLB nông dân với môi trường; CLB nông dân với an toàn giao thông, mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp…
Các mô hình này hoạt động hiệu quả đã góp phần đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của công tác vận động nông dân theo hướng thiết thực, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác dân vận của tổ chức Hội Nông dân đáp ứng yêu cầu của điều kiện, tình hình mới.
Tham gia sinh hoạt các CLB, hội viên nông dân tập trung và trao đổi theo chủ đề quan tâm của họ. Đơn cử như các CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các hội viên sẽ tập trung trao đổi về thị trường, giá cả, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây, con, phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quan, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay…
Với phương thức sinh hoạt theo mô hình các CLB nông dân, các chi tổ hội nghề nghiệp đã phát huy được tính tiên phong, năng động, sáng tạo và trách nhiệm của các hội viên có điều kiện phát triển.
Do đó, xuất hiện ngày càng nhiều các hội viên nông dân trẻ, năng nổ, nhiệt tình, có tư duy kinh tế, có kỹ năng lao động, có nhận thức chính trị tốt và uy tín với quần chúng, cộng đồng nông thôn. Đây là nguồn quan trọng để tổ chức Hội Nông dân có thể bồi dưỡng và phát triển, giới thiệu cho Đảng, chính quyền xem xét, rèn luyện, bố trí vào các vị trí cán bộ hội hoặc trưởng thôn, chi bộ.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân nhiều địa phương đã sáng tạo, đa dạng mô hình tập hợp, thu hút hội viên phát triển phong trào như thành lập CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, CLB Nông dân tỷ phú, CLB Nông dân phát triển kinh tế với hàng vạn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Tiêu biểu như Hội Nông dân TP Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Bình Dương, Bến Tre, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế… đã thành lập và ra mắt 1.965 CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.