Dân Việt

Nông nghiệp đô thị TP.HCM: Nông dân Bình Chánh trồng hoa nền cho kinh tế cao

Thuận An 18/11/2023 16:11 GMT+7
Nhờ chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, nhiều nông dân huyện Bình Chánh mạnh dạn thay đổi mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Trương Bá Hầu ở xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh) là nông dân tiểu biểu chuyển đổi nghề trồng hoa màu và chăn nuôi hiệu quả thấp sang trồng hoa nền phục vụ nhu cầu làm đẹp của đô thị.

Trồng hoa nền cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm

Ông Trương Bá Hầu gắn bó về nghề nông đã 30 năm. Trước đây, ông chỉ tập trung trồng hoa màu, rau xanh, và chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Năm 2006, ông Hầu tham gia vào Hội Nông dân xã Tân Quý Tây. Đây được xem là bước ngoặt tạo sự thay đổi trong hoạt động sản xuất của ông.

Ông Trương Bá Hầu chuyển đổi mô hình sang trồng hoa nền. Ảnh: Thu Thủy

Ông Trương Bá Hầu chuyển đổi mô hình sang trồng hoa nền. Ảnh: Thu Thủy

Nhờ tham gia các chuyến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả do các cấp Hội Nông dân và ngành nông nghiệp tổ chức, ông đã mạnh dạn nghiên cứu để chuyển đổi cây trồng trên mảnh đất của mình.

Thay vì trồng các loại hoa truyền thống như vạn thọ, sống đời, mào gà..., ông chuyển sang trồng các hoa nền như hoa đất, hoa chậu. Ông Hầu cũng là người đầu tiên trồng cúc mâm xôi đạt hiểu quả cao.

Ông Hầu kể, ban đầu, việc chuyển đổi không dễ dàng vì đây là mô hình mới. Ông Hầu chưa có nhiều kinh nghiệm, lại gặp thêm khó khăn về thời tiết và giá cá thị trường.

Được Hội Nông dân và cán bộ nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, ông từng bước khắc phục khó khăn.

Năm 2017, ông Trương Bá Hầu đoạt giải 3 hội thi "Sáng tạo nhà nông" do Hội Nông dân TP.HCM tổ chức với sáng kiến trong mô hình trồng hoa cát tường trong điều kiện khí hậu nắng nóng.

Trên diện tích hơn 2.000m2, mỗi năm ông thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ việc phát triển cây giống, đầu tư trồng hoa phục vụ lễ, Tết, các hội hoa xuân.

Hoa nền được sử dụng để trang trí cảnh quan đô thị ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Thuận An

Hoa nền được sử dụng để trang trí cảnh quan đô thị ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Thuận An

Ông Hầu chia sẻ hoa nền là sản phẩm phẩm rất phù hợp với nông nghiệp đô thị. Ngoài việc nỗ lực học hỏi kiến thức mới, thành công của ông có được nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của Thành phố.

Từ thành công của mình, ông chia sẻ hết kinh nghiệm cho các nông dân khác cùng chuyển đổi mô hình để đạt hiệu quả cao.

Theo Hội Nông dân huyện Bình Chánh, ông Trương Bá Hầu là nhân tố tích cực trong việc góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất ở địa phương. Trong công tác an sinh xã hội, ông Hầu cho mượn vốn không lấy lãi, trao tặng cây giống trị giá từ 15-25 triệu đồng giúp đỡ các hộ dân khác có thêm điều kiện sản xuất. 

Bộ Nông nghiệp&PTNT cũng đã phê duyệt đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030. Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hoa, cây cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 6 - 8%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 50.000- 55.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 70.000 – 75.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 130 - 150 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 180 - 200 triệu USD.

Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm và phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 130 - 150 làng nghề hoa, cây cảnh được cấp có thẩm quyền công nhận.

TP.HCM là một trong những địa phương nằm trong vùng sản xuất hoa trong điểm đến năm 2030 của đề án. Tại các tỉnh thành sản xuất hoa trọng điểm, hình thành các vùng chuyên canh, các làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Đề án của Bộ Nông nghiệp rất phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM, trong đó hoa kiểng là một trong các sản phẩm chủ lực được hỗ trợ phát triển.