Dân Việt

Xót xa cảnh người con 'sợ' lũ vì ở nhà còn mẹ già bị tai biến

Thăng Bình 18/11/2023 17:46 GMT+7
"Đến mùa lũ, tôi không dám đi làm vì phải chăm sóc mẹ già mắc bệnh tai biến. Nước lũ mà dâng lên nhanh, nếu tôi đi làm xa, mẹ tôi không biết đường nào mà thoát", ông Lý Lương Hải tâm sự.

Lũ gây ngập, chia cắt nhiều nơi ở Bình Định. Video: TB.


"Nếu tôi đi làm xa, lũ lên mẹ già không biết đường nào mà thoát"

Bần thần đứng trước con đường về nhà đã ngập mênh mông nước, ông Lý Lương Hải (ở thôn Lương Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết, mưa to lũ lên, nóng ruột lắm, ông không dám đi làm vì phải ở nhà canh mẹ già bị tai biến, nằm 1 chỗ.  

"Nước đã ngập hết các con đường trong thôn. Tôi không dám đi làm, vì phải chăm sóc mẹ già mắc bệnh tai biến. Nước lũ mà dâng lên nhanh, nếu tôi đi làm xa thì mẹ tôi không biết đường nào mà thoát", ông Hải tâm sự.

Xót xa cảnh người con 'sợ' lũ vì ở nhà còn mẹ già bị tai biến  - Ảnh 2.

"Nước lũ mà dâng lên nhanh, nếu tôi đi làm xa thì mẹ tôi không biết đường nào mà thoát", ông Lý Lương Hải tâm sự. Ảnh: TB.

Theo bà Ngô Thị Xuân Nhơn (70 tuổi, ở thôn Lương Quang), vùng này được ví như "rốn lũ", bởi cứ hễ có mưa lớn là bị ngập. Năm trước, mưa lớn kéo dài cộng thêm xả lũ thì hầu như nhà dân ở khu này lại "chìm" trong biển nước.

"Chúng tôi đã quen với cảnh, đối mặt với lũ, nên mỗi khi thấy mưa lớn là phải thức để canh nước, dù là ngày hay đêm, nó trở thành kỹ năng. Nước dâng bao nhiêu thì đồ đạc trong nhà cũng phải kê cao lên bấy nhiêu. Còn khi nước lớn nhanh, không kịp kê đồ lên cao, thì đành bỏ của chạy lấy người, chờ nước rút về nhà tính sau", bà Nhơn nói.

Xót xa cảnh người con 'sợ' lũ vì ở nhà còn mẹ già bị tai biến  - Ảnh 3.

Nhiều tuyến đường, nhà dân ngập trong nước khiến cuộc sống đảo lộn. Ảnh: TB.

Làm nghề may vá tại nhà, chị Lê Thị Mỹ Truyền (37 tuổi), chạy đôn chạy đáo lo kê máy móc lên cao trước, vì nếu không kịp thì chẳng khác nào mất đi "cần câu cơm" của mình. 

"Sợ lũ lớn, tôi cũng kê giường lên cao để cho con nhỏ có chỗ nằm. Chứ như lần lũ trước, nước vô nhà cao hơn cả mét, rất mệt mỏi và lo sợ", chị Truyền kể.

Xót xa cảnh người con 'sợ' lũ vì ở nhà còn mẹ già bị tai biến  - Ảnh 4.

Nhiều tuyến đường trong thôn chìm trong biển nước. Ảnh: TB.

Nhà trường huỷ gặp mặt Ngày nhà giáo Việt Nam vì lũ

Theo ông Bùi Văn Thọ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Chánh (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát), nhà trường đã thông báo đến từng phụ huynh cho học sinh nghỉ học do điểm trường chính còn ngập nước, đường đến trường nhiều đoạn ngập sâu 1,3 m.

"Ban giám hiệu nhà trường dự tính họp mặt cán bộ, công chức, thầy cô giáo kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam vào chủ nhật (ngày 19/11) nhưng không tổ chức được. Do nước lũ còn ngập sân trường, chờ lũ rút để dọn vệ sinh các phòng học, sau đó lên kế hoạch tổ chức dạy bù và gặp mặt kỷ niệm sau", ông Thọ cho hay.

Xót xa cảnh người con 'sợ' lũ vì ở nhà còn mẹ già bị tai biến  - Ảnh 5.

Chị Lê Thị Mỹ Truyền lo lắng kê đồ đạc tránh lũ. Ảnh: TB.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, ảnh hưởng của mưa lớn những ngày qua đã khiến cho các xã khu đông như Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Thắng, phước Quang bị ngập trong nước.

Xót xa cảnh người con 'sợ' lũ vì ở nhà còn mẹ già bị tai biến  - Ảnh 6.

Điểm tràn bị ngập với dòng nước chảy xiết là nỗi khiếp sự của người dân, rất dễ bị nạn khi đi qua. Ảnh: TB.

"Lo nhất là các khu vực đập tràn bị ngập, nước chảy xiết, nên đã chỉ đạo các xã túc trực, cắm biển cảnh báo, ngăn không cho người dân đi lại, vì đã có nạn nhân tử vong khi đi qua tràn. Để đảm bảo an toàn, huyện đã đề nghị người dân không được chủ quan, chính quyền các xã bị ngập không được lơ là, chủ động rào chắn các điểm nguy hiểm", ông Xuân cho hay.