Bình Định 'cầu cứu' Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng vì lo ngại pháp lý ở khu lấn biển Quy Nhơn

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 14/11/2023 08:42 AM (GMT+7)
Công ty CP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn bỏ kinh phí xây dựng nhiều hạng mục "làm đẹp" khu lấn biển Quy Nhơn và từng đề nghị xin thuê đất, để xây dựng dự án. Tuy nhiên, Bình Định đang gặp "lúng túng", bởi dự án kéo dài quá lâu, trong khi quy định pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi.
Bình luận 0

'Biến' khu đất hoang thành công viên, không xài tiền ngân sách

10 năm trước, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho một doanh nghiệp thực hiện việc san lấp, lấn biển Quy Nhơn diện tích hơn 12ha để làm cáp treo nối từ Mũi Tấn, sang Khu du lịch Hải Giang thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn). 

Khu lấn biển Mũi Tấn nằm ở đầu đường Xuân Diệu, con đường ven biển đẹp nhất ở Quy Nhơn. Bờ biển Quy Nhơn dài 5km, có độ cong "vầng trăng khuyết" tuyệt đẹp, bị biến dạng bởi phần san lấp, lấn biển.

Điều đáng nói, sau khi san lấp xong, nhà đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án cáp treo tại đây, mà rào chắn xung quanh rồi bỏ hoang nhiều năm, bùn thải và đất đá từ dự án tràn ra biển gây bồi lấp, thay đổi dòng chảy khiến người dân, đặc biệt những người yêu biển Quy Nhơn, bất bình.

Trái ngược mong đợi, nguyên nhân là do giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định và nhà đầu tư không thống nhất được quy hoạch và chưa tạo sự đồng thuận trong người dân.

Cụ thể, nhà đầu tư muốn xây dựng hàng trăm căn biệt thự tại khu lấn biển nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định kiên quyết khước từ, không đồng ý và yêu cầu chỉ làm dịch vụ tại đây. Tất cả đều nhằm thực hiện theo chủ trương giữ biển cho cộng đồng.

Bình Định 'cầu cứu' Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng vì lo ngại pháp lý ở khu lấn biển Quy Nhơn - Ảnh 1.

Khu lấn biển Mũi Tấn hiện nay với công viên, quảng trường (ảnh lớn) và khu lấn biển bỏ hoang trước đây (ảnh nhỏ). Ảnh: Dũng Nhân.

Cáp treo "đứt gánh" giữa chừng và thực tế bối cảnh vào lúc đó, Bình Định rất khát khao phát triển du lịch nên mới có quyết định cho san lấp, lấn biển Quy Nhơn. Một lãnh đạo tỉnh này từng thừa nhận, đây là vấn đề điều tồn tại "nhức nhối" từ rất lâu, chính quyền phải cố gắng giải quyết, bằng nhiều cách và mất nhiều năm liền.

Cuối năm 2018, Công ty CP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã đàm phán, tái khởi động Dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land tại thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn), cùng với đó tiếp nhận việc triển khai dự án tại khu lấn biển Mũi Tấn. Ngay sau đó, công ty này làm các thủ tục tiếp theo để triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Năm 2019, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu Mũi Tấn. Trong số 12ha đất dự án lấn biển Mũi Tấn, Bình Định đồng ý xén bớt phần lớn diện tích, nhằm trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển.

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch hơn 73.000m2, bao gồm hai khu chức năng chính:

Phân khu 1 (hơn 45.000m2): khu công viên xanh vui chơi giải trí, bãi đậu xe: Là nơi hoạt động, giao tiếp, thư giãn của cộng đồng dân cư địa phương và du khách.

Phân khu 2 (hơn 25.000m2): xây dựng công trình dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ du lịch và bãi tắm phục vụ phát triển du lịch. Mật độ xây dựng 34,2%, chiều cao công trình 40 tầng.

Tiếp đến, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án khu Mũi Tấn, do Công ty CP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn, làm chủ đầu tư.

Phạm vi, quy mô dự án có tổng diện tích đất xây dựng là 73.028 m2. Gồm tòa nhà 40 tầng nổi (với khu khách sạn là 467 phòng và khu căn hộ là 1.646 căn), tuyến kè với tổng chiều dài là 1.493,10m. 

Các hạng mục công trình chính của dự án: xây dựng khu công viên vui chơi, giải trí, bãi đậu xe, khu nhà hàng ăn uống kết hợp bến tàu ca nô. Tổng diện tích nạo vét, cắt xén bãi lấn biển là 48.600m2.

Bình Định 'cầu cứu' Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng vì lo ngại pháp lý ở khu lấn biển Quy Nhơn - Ảnh 2.

Khu lấn biển Mũi Tấn trước đây là bãi đất hoang, rào kín tôn. Ảnh chụp năm 2019.

Năm 2020, UBND tỉnh Bình Định điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu Mũi Tấn, diện tích tại 2 phân khu, tiếp tục có sự thay đổi. 

Từ khu đất bỏ hoang nhếch nhác, hiện nay khu lấn biển đã được Công ty CP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn bỏ ra số tiền rất lớn để hoàn thành việc xây kè, xén phần lớn khối lượng đất, đá mang lên bờ và trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển. 

Ngoài ra, xây dựng cảnh quan, công viên, quảng trường nhạc nước hiện đại..., hình thành nên không gian cộng đồng ven biển đẹp nhất nhì tại Quy Nhơn.

Việc thi công mặt bằng này do Công ty CP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn tự ứng kinh phí theo chủ trương của tỉnh Bình Định, đã "làm đẹp" khu lấn biển. Một lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Bình Định cho biết, kinh phí thực hiện các hạng mục này, bước đầu do nhà đầu tư bỏ tiền, không dùng đến tiền ngân sách. 

Bình Định xin ý kiến từ Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, năm 2012, UBND tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch Hải Giang thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội (Văn bản số 1498/UBNDKTN ngày 8/5/2012). 

Trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, UBND tỉnh Bình Định thống nhất cho thực hiện đầu tư dự án tuyến cáp treo từ Mũi Tấn đến tượng đài Trần Hưng Đạo. 

Trong đó, sử dụng vị trí khu đất lấn biển Mũi Tấn để xây dựng ga cáp treo qua Khu du lịch Hải Giang và các công trình phục vụ cho dự án. 

Vị trí thực hiện dự án là mặt nước biển (giáp bờ biển dọc đường Xuân Diệu), diện tích khoảng 12ha. 

Bình Định 'cầu cứu' Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng vì lo ngại pháp lý ở khu lấn biển Quy Nhơn - Ảnh 3.

Công viên nhạc nước lung linh về đêm trên khu lấn biển Mũi Tấn. Ảnh: DT.

Đến nay, vị trí khu đất đã điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, diện tích giảm từ 12ha còn 73.044,2m2 thuộc phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn. 

Dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 2882365636 ngày 19/7/2019. 

Tiến độ thực hiện dự án: Từ quý II/2019 - quý II/2020 hoàn thành các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; Từ quý II/2020 - quý II/2022 khởi công xây dựng và hoàn thành dự án đưa công trình vào hoạt động. 

Tuy nhiên, dự án nêu trên kéo dài nhiều năm, liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, mặt khác quy định pháp luật có thay đổi. 

Đặc biệt, theo quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 thì đất sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Vì vậy, để giải quyết tồn tại của trường hợp này, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản báo cáo Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để được hướng dẫn việc thực hiện. 

Bình Định 'cầu cứu' Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng vì lo ngại pháp lý ở khu lấn biển Quy Nhơn - Ảnh 4.

Khu lấn biển từ bãi đất hoang được "biến thành" công viên, cây xanh. Ảnh: Dũng Nhân.

Hiện, doanh nghiệp đang triển khai thủ tục xin thuê đất nhưng do thời gian qua chính sách pháp luật đất đai thay đổi nên để tháo gỡ, Bình Định đang chờ văn bản trả lời của Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng, mới có cơ sở giải quyết cho dự án này.

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bình Định cho hay, hiện tại tỉnh này chưa có quyết định cho doanh nghiệp thuê đất trên khu lấn biển Mũi Tấn, để thực hiện dự án.

Dự án Mũi Tấn ban đầu có tổng diện tích 12ha, được tỉnh Bình Định đồng ý xén bớt diện tích nhằm trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển, còn lại hơn 7ha. Nơi đây đang hình thành công viên, quảng trường… là không gian cộng đồng phục vụ người dân, du khách tại Quy Nhơn. Ngoài ra, đã quy hoạch xây dựng khách sạn 40 tầng và nhiều dịch vụ khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem