Dân Việt

Diễn tập xử lý sự cố mạch sủi tại đê Cà Lồ, huyện Đông Anh (Hà Nội)

PV 21/11/2023 09:52 GMT+7
Thực hiện quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức diễn tập xử lý một số tình huống trong công tác PCTT trên địa bàn xã Xuân Nộn.

Thực hiện quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt đề án " Nâng cao nhận thức công đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030", mới đây, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức  diễn tập xử lý một số tình huống trong công tác PCTT trên địa bàn xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Việc diễn tập nhằm nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.

Tình huống sự cố trên đê Cà Lồ

Qua công tác tuần tra công trình đê điều theo quy định, lực lượng tuần tra canh gác (TTCG) điếm số 22 phát hiện lúc 7h15’ ngày 16/10/2023, tại vị trí K2+350 tuyến đê Hữu Cà Lồ thuộc địa bàn thôn Đường Nhạn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh xuất hiện 01 vết nứt dài 15m ở mái đê phía đồng, chân đên phía đồng tại vị trí này là ao sâu.

Diễn tập xử lý sự cố mạch sủi tại đê Cà Lồ, huyện Đông Anh (Hà Nội) - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tập huấn việc xử lý sự cố đê điều tại Hà Nội. Ảnh: T.S.

Tiếp tục kiểm tra tại khu vực ao lân cận vị trí tương ứng K2+320 phát hiện mạch sủi cách chân đê 13 m, theo nhận định hiện tượng nứt trượt và mạch sủi có xu hướng phát triển, đây là tổ hợp sự cố nguy hiểm, uy hiếp đến an toàn đê. Hiện tại mực nước sông Cà Lồ tiếp tục lên nhanh.

Đến 8h40 phút mực nước sông đạt +8.45m, xu hướng tiếp tục lên nhanh, dòng chủ lưu tại đoạn này thúc thẳng vào mái đê. Trong quá trình theo dõi, vết nứt tiếp tục phát triển thành cung trượt với chiều dài 20m, đỉnh cung trượt ở cao trình 8,50m, độ rộng khe nứt lớn nhất là 20cm, độ chênh cao 15cm.

Sự cố nứt trượt có xu hướng phát triển nhanh làm đẩy khối trượt xuống dưới ao hạ lưu. Lỗ sủi dưới ao đã phát triển và có mang theo đất cát nền đê. Đây là tổ hợp sự cố hết sức nguy hiểm, nếu không được xử lý kịp thời, sự cố sẽ tiếp tục mở rộng làm cho mái đê, có khi cả thân đê bị trượt từng mảng, nghiêm trọng hơn là khi phần lớn mặt hoặc cả mặt đê bị trượt.

Nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện mạch sủi là do nước thấm qua nền đê với áp lực lớn, gặp chỗ tầng đất phủ ở gần chân đê yếu nước đùn lên thành mạch sủi. Mạch sủi thường xảy ra ở những nơi nền đê là đất cát, tầng đất phủ bị đào để đắp đê, nung gạch ngói hoặc do bom phá hoặc ở đầm ao, thùng đấu, kênh mương. … gần chân đê.

Xử lý tình huống

Theo lệnh của BCH PCTT & TKCN huyện Đông Anh, lực lượng xung kích PCTT được huy động trực tiếp thi công xử lý (15 người) bao gồm: BCH PCTT và TKCN xã Xuân Nộn huy động 15 người; BCH PCTT và TKCN huyện Đông Anh, xã Xuân Nộn cử 2 đồng chí cán bộ cùng lực lượng quản lý đê chuyên trách 2 đồng chí để chỉ huy và hướng dẫn kỹ thuật.

Lực lượng tham gia xử lý gồm 15 người được huy động đứng thành hàng ngũ ngay ngắn gần khu vực mạch sủi, được chia thành 3 nhóm để thực hiện nhiệm vụ:

Nhóm 1 gồm 5 người trong đó 4 người khiêng thùng phi từ vị trí tập kết, 1 người định vị mạch sủi và điều chỉnh thùng phi vào tâm vị trí sủi và cầm phên rơm đã được gia công sẵn. Điều chỉnh, san gạt vật liệu lọc cho đều, đảm bảo phát huy của tầng lọc.

Diễn tập xử lý sự cố mạch sủi tại đê Cà Lồ, huyện Đông Anh (Hà Nội) - Ảnh 2.

Một số bao tải cát được huy động đến hiện trường để phục vụ cho công tác khắc phục sự cố. Ảnh: T.S.

Nhóm 2 gồm 14 người (lấy cả 4 người khiêng thùng phi) vận chuyển vật liệu lọc cát, đá dăm, gạch vỡ. Nhóm 3 gồm 2 người thi công phên rơm và máng dẫn nước để theo dõi.

Ngay sau khi có lệnh triển khai thực hiện xử lý, một người là đội trưởng lực lượng xung kích PCTT (là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong công tác PCTT & TKCN của xã) xuống vị trí mạch sủi gạn bèo, tạo phẳng nền để đặt thùng phi thép và rút cọc tiêu để ra vị trí gần khu vực mạch sủi.

Tiếp theo bốn người dùng đòn gánh bằng tre khiêng thùng phi xuống và được định vị đúng tâm mạch sủi, thùng phi thép được ép xuống đáy ao theo phương thẳng đứng bằng lực vừa phải đảm bảo nước không rò rỉ ra bên ngoài.

Khi thùng phi được định vị theo đúng kỹ thuật đồng chí đội trưởng đội lực lượng xung kích PCTT vào bên trong thùng phi kiểm tra lỗ sủi, khơi miệng lỗ theo hình phễu, đón và đặt phên rơm lên miệng phễu để phân tán lưu tốc của mạch sủi, đồng thời kiểm tra phía ngoài thùng phi đảm bảo nước trong thùng phi bị rò rỉ ra ngoài.

Tiếp theo nhóm 14 người đứng thành 2 hàng dùng thúng vận chuyển lần lượt các vật liệu lọc theo thứ tự từ dưới lên: cát vàng, sỏi, đá dăm mỗi lớp dày 30 cm. Lưu ý khi thi công các lớp lọc ngược ta phải rải đều tránh trường hợp mạch sủi bị tắc làm cho nước không thoát ra được.

Việc thi công đang hết sức khẩn trương và nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của lực lượng quản lý đê chuyên trách.

Tiếp theo nhóm 2 người thi công máng dẫn nước từ miệng thùng phi ra ngoài để theo dõi.

Sau hơn 30 phút thi công giếng lọc ngược đã hoàn thành. Nước trong thùng phi thép đã từ từ dâng lên. Quan sát máng nước dẫn ra ngoài lúc đầu nước ra đục, sau nước đã ra trong. Việc xử lý mạch sủi thành công, đất cát trong nền đê đã được giữ lại không bị mạch sủi kéo ra ngoài đảm bảo ổn định cho đê điều.

Sau đó tiếp tục thực hành xử lý các sự cố: thẩm lậu nước đục mái đê phía đồng, tôn cao mặt đê đề phòng nước tràn. Các sự cố đều được thực hiện thành thục mà nhanh chóng hoàn thành đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Hằng năm, BCH PCTT & TKCN huyện Đông Anh đều tổ chức tập huấn kỹ thuật xử lý các sự cố về đê điều cho các lực lượng XKTT, XKCĐ và lực lượng TTCG cho tất cả các xã ven đê.

Do vậy, khi có các xự cố xử ra trên địa bàn, các lực lượng đã được tập huấn thực hiện rất thành thạo các thao tác kỹ thuật xử lý, bảo đảm an toàn công trình đê điều trên địa bàn các xã nói riêng và huyện Đông Anh nói chung trong mùa mưa lũ.