Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Tấn Sơn - Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Giang.
- Những ngày đầu tỉnh Hà Giang triển khai Chương trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người/năm ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, khó huy động sự tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp... Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp Tỉnh đến tận cấp xã, thôn cùng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, bức tranh nông nghiệp, nông thôn Hà Giang có sự chuyển biến rõ nét.
Sau 10 năm xây dựng NTM đến hết năm 2021, toàn Tỉnh có 01 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (thành phố Hà Giang); 47/175 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Phương Thiện - thành phố Hà Giang); 11 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí NTM; 115 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 2 xã đạt dưới 9 tiêu chí.
Sang giai đoạn 2021-2025, thực hiện Quyết định số 263 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 25/7/2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TU về lãnh đạo triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM đến năm 2025 trên địa bàn Tỉnh.
Nghị quyết số 28/NQ-TU đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hà Giang có thêm 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình đạt chuẩn huyện NTM (nâng tổng số đơn vị cấp huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM là 3 đơn vị); có thêm 35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh là 82 xã); có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao toàn tỉnh lên 7 xã) và xây dựng 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí, bình quân cả Tỉnh đạt trên 16 tiêu chí/xã.
Đồng thời, Hà Giang phấn đấu có ít nhất 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn NTM (khoảng 800 thôn); 100% thôn biên giới có điện và đường giao thông đạt tiêu chí NTM…
- Chương trình MTQG xây dựng NTM cùng các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của Hà Giang giai đoạn 2021-2025; 100% các huyện, xã, thôn đã thành lập, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn để lãnh đạo và triển khai các chương trình MTQG với sự thống nhất từ Tỉnh đến cơ sở và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Với mục đích nâng cao nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về các chủ trương mới, nội dung mới trong xây dựng NTM theo hướng "toàn diện, nâng cao và bền vững", Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Giang chú trọng tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM tập trung vào các nội dung: Phổ biến các văn bản mới liên quan đến Chương trình MTQG xây dựng NTM của Trung ương và tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025; Các vấn đề về xây dựng NTM cấp thôn, bản; Triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; Chuyển đổi số trong xây dựng NTM...
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp cử cán bộ tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội về kết quả thực hiện xây dựng NTM; tổ chức hội thi "Hội thi nông dân tham gia xây dựng NTM"; "Hội thi tuyên truyền viên giỏi về trưng bày, giới thiệu, quảng bá nông sản gắn với chuyển đổi số".
Qua 3 năm thực hiện, công tác xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Hà Giang ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Bộ mặt nông thôn trong toàn tỉnh đã đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 48/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 26,85%), trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 88 thôn đã được công nhận thôn nông thôn mới (37 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 51 thôn thuộc vùng I và II).
- Sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TU được ban hành, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung Nghị quyết đã đề ra.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang ban hành các quyết định về cơ chế chính sách và các hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có quyết định về việc phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 cho 52 xã.
Đồng thời quyết định phân bổ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để thực hiện xây dựng NTM cho các huyện nghèo 30a và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Nhằm tạo đột phá về kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, Hà Giang đã có những cách làm hay, mang lại hiệu quả đáng kể.
Ví dụ như để hoàn thiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, trong thời gian đợi nguồn vốn từ Trung ương, Hà Giang đã hỗ trợ xi măng "tiếp sức" xây dựng NTM, nhanh chóng phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh để tổ chức đấu thầu mua xi măng cung ứng cho các huyện, thành phố thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn; đẩy mạnh phong trào "hiến đất làm đường"… Sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự đóng góp tích cực của Nhân dân về ngày công, vật liệu đã góp phần quan trọng trong việc bê tông hóa hàng nghìn km đường các loại.
- Xây dựng NTM là Chương trình phát triển tổng hợp, toàn diện, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Để tiếp tục xây dựng NTM bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, môi trường sống của người dân so với giai đoạn trước và phù hợp với điều kiện thực tế, tỉnh Hà Giang đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Trong đó: Tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của chính quyền, sự tham gia vào cuộc của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng NTM; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, quán triệt triển khai các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM.
Đồng thời tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong xây dựng NTM; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 11 nội dung thành phần của Chương trình MTQG xây dựng NTM theo Quyết định số 263/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM...
Với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân trong toàn tỉnh, tôi tin rằng chương trình MTQG xây dựng NTM tiếp tục gặt hai được nhiều kết quả đáng ghi nhận, bộ mặt nông thôn tỉnh Hà Giang ngày càng khởi sắc góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc nơi địa đầu tổ quốc.
Xin cảm ơn ông!