Dân Việt

Mua bán ế ẩm cuối năm - Bài 1: Sắp Tết mà chợ cả tuần không có khách, bà bán tạp hóa cũng than trời

Hồng Phúc - Thu Hoài 22/11/2023 15:54 GMT+7
Khách mua hàng dè dặt lại còn "ghi sổ" khiến chủ tiệm tạp hóa than trời. Tiểu thương từ chợ lẻ tới chợ sỉ ngồi chơi cả tuần cũng không bán được một đồng, trong khi Tết đang đến gần…

LTS: Cuối năm thường là thời điểm thị trường mua sắm nhộn nhịp nhất. Nhưng, năm nay lại hoàn toàn khác. Đã bước vào những ngày cuối của tháng 11, Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống cho đến siêu thị, trung tâm thương mại hầu như rơi vào tình cảnh ế đều. Người bán, tiểu thương, doanh nghiệp đang hồi hộp, lo lắng hơn là háo hức cho mùa kinh doanh cuối năm.

Muốn biết tình hình mua sắm cuối năm ra sao, đầu tiên, có lẽ nên đến các khu chợ công nhân, chợ truyền thống.

Công nhân về quê hết, bà bán tạp hóa than trời

Kinh tế khó khăn, nhiều công nhân, người lao động mất việc khiến họ dè dặt chi tiêu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mua. Chủ các tiệm tạp hóa, tiểu thương đều than trời. 

Mua bán ế ẩm cuối năm - Bài 1: Sắp Tết mà cả tuần không có khách, bà bán tạp hóa cũng than trời - Ảnh 1.

Chợ truyền thống ế khách, quầy sạp đóng hàng loạt. Ảnh: Hồng Phúc

Mua bán ế ẩm cuối năm: Chợ vắng, tiểu thương chợ Bình Tây đóng quầy hàng loạt. Ảnh: Hồng Phúc

Bà Nguyễn Thị Trọng - chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6 những ngày qua lo lắng vì cửa hàng ế quá. Công nhân, người lao động thu nhập thấp là khách hàng chủ yếu của bà Trọng. Cuối năm, tình hình bán buôn không nhích tăng mà ngược lại còn giảm sâu chưa từng thấy.

Bà nói “không biết khách… đi đâu hết”. Nhưng rồi, cũng chính bà nhanh chóng tự trả lời thắc mắc của mình: “Công nhân họ về quê nhiều lắm nên bây giờ bán mỗi ngày không được bao nhiêu. Năm ngoái, công nhân ở miền Tây lên lại nên còn có chút hy vọng, năm nay, công ty cho nghỉ việc liên tục. Ở lại không có gì làm nên họ về quê nhiều lắm”.

Bà chủ cửa hàng tạp hóa 60 tuổi còn cho biết thêm mức chi tiêu cho mắm muối, dầu ăn, mì gói của công nhân, người lao động thu nhập thấp vốn đã rất cơ bản nay còn bị cắt xén thêm. 

“Trước đây, tôi bán mỗi ngày được vài triệu, giờ tụi nó về quê hết, số còn ở lại, thì ít mua bánh trái nên mỗi ngày chỉ bán được có vài trăm nghìn. Tôi còn phải bán thiếu”, bà Trọng nói.

Mua bán ế ẩm cuối năm - Bài 1: Sắp Tết mà cả tuần không có khách, bà bán tạp hóa cũng than trời - Ảnh 2.

Quầy đóng, cho thuê và sang sạp ở chợ Bình Thới, quận 11. Ảnh: Hồng Phúc

Ở khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, nhiều khu nhà trọ dán bảng cho thuê vì hàng loạt công nhân đã về quê sớm sau khi bị công ty sa thải, ở lại cũng khó tìm được việc làm. Hết khách, nhiều khu chợ công nhân cũng vắng thấy thương.

Chị Bảo Châu, công nhân một công ty may tại khu công nghiệp Tân Tạo, cho biết do công ty bị giảm đơn hàng, hiện mỗi tuần chỉ làm từ thứ Hai đến thứ Sáu. 

“Chúng tôi làm bữa đực bữa cái cả năm qua. Làm ít thì tiền ít, nên không dám mua gì. Đi chợ phải mua nhiều rau và trứng, thịt cá thì ít lại. Những khoản khác ngoài ăn uống 3 bữa thì không dám nghĩ đến lúc này”, chị Châu nói.

Chợ đìu hiu, tiểu thương chưa nghĩ bán hàng Tết

Hàng loạt chợ truyền thống tại TP.HCM đang rơi vào cảnh ế ẩm. Thậm chí, theo các tiểu thương nếu như năm 2022, tình hình buôn bán đã rất khó khăn thì năm nay, họ lại càng khó khăn hơn do sức mua giảm mạnh. Quầy sạp đóng hàng loạt, từ chỗ cho thuê hiện nhiều người đã quyết định bán luôn do không thấy tình hình sáng hơn.

Mua bán ế ẩm cuối năm - Bài 1: Sắp Tết mà cả tuần không có khách, bà bán tạp hóa cũng than trời - Ảnh 3.

Quầy của bà Kim Thoa có vị trí đặc địa tại chợ Bà Chiểu nhưng từ sáng tới chiều, chỉ bán được 140.000 đồng. Ảnh: Hồng Phúc

Có sạp ở vị trí đắc địa nhất chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh nhưng tới cuối ngày, bà Kim Thoa - tiểu thương ngành hàng vải mới bán được 140.000 đồng. Bà Thoa ngóng khách cả ngày, chuyện trữ hàng Tết chưa nghĩ đến vì lo khách không tới chợ. Chưa kể, hàng tồn cả năm qua vẫn còn nhiều.

“Vải vóc, quần áo bán chạy nhất cuối năm nhưng năm nay thảm lắm. Gần 40 năm bán ở chợ Bà Chiểu, đây là năm ế nhất, ế hơn cả năm ngoái. Ngồi mặt tiền mà chỉ bán được 140.000 đồng thì hiểu sức mua như thế nào. Em tôi, sạp ở bên trong, cả tuần không bán được một cái áo nào”, bà Thoa lắc đầu.

Tại chợ Bình Thới, quận 11, tình hình không khá hơn. Ngoại trừ khu vực thực phẩm tươi sống thì các ngành hàng còn lại, quầy sạp đóng hàng loạt.

Ông Nguyễn Hoàng Kiêu - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới, cho biết mãi lực yếu do kinh tế khó khăn là tình hình chung tại các chợ. Riêng chợ Bình Thới, sức mua hiện giảm đến 60% so với năm ngoái. Hiện rất ít tiểu thương nhập hàng Tết vì lo không bán được. Họ cũng không có vốn nhiều như mọi năm nên không nghĩ đến mùa kinh doanh Tết.

Các chợ chuyên bán sỉ như chợ Tân Bình, chợ Bình Tây, chợ An Đông tại TP.HCM cũng hẩm hiu chưa từng thấy. Nhiều người không nhập hàng Tết vì sức mua yếu, họ chỉ chuẩn bị khi có khách đặt hàng sớm.

Mua bán ế ẩm cuối năm - Bài 1: Sắp Tết mà cả tuần không có khách, bà bán tạp hóa cũng than trời - Ảnh 4.

Tiểu thương chợ Bình Tây, quận 6 ngồi chơi, ngóng khách. Ảnh: Hồng Phúc

Kinh doanh tại chợ Tân Bình gần 50 năm, bà Nguyễn Thị Hồng Yến không thể giấu được sự ngán ngẩm trước tình hình buôn bán hiện nay tại chợ sỉ vải vóc, quần áo lớn nhất TP.HCM. Nhiều hôm, cả ngày nhưng sạp của bà và những người khác chưa bán được đồng nào.

“Ế lắm. Nhiều người thuê sạp 30 - 40 triệu/tháng, mà ế kiểu này nên phải trả. Sắp Tết nhưng tôi không lấy thêm hàng, còn bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, lỡ phóng lao thì phải theo lao”, bà Yến thở dài.

Các chợ truyền thống, từ chợ sỉ đến chợ lẻ tại TP.HCM, theo xác nhận của tiểu thương và ban quản lý chợ, tình hình đang hẩm hiu nhất từ trước đến nay. Chợ truyền thống là kênh mua sắm phổ biến, đặc biệt với người tiêu dùng phổ thông nhưng do kinh tế khó khăn, người dân chỉ chi tiêu cho mặt hàng thiết yếu, các ngành hàng còn lại đang trong cảnh ế đều.

Mua bán cuối năm - Bài 2: Người giàu ngưng "mua sắm trả thù", tiết kiệm từng đồng vì khó khăn