Dân Việt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

PV 22/11/2023 09:51 GMT+7
Sáng 22/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

Cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thảo luận và cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và một số nội dung quan trọng khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh vov.vn

Trước đó vào tháng 8/2023, tại phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  càng làm càng bài bản, có nhiều kinh nghiệm, đồng bộ, kiên quyết, nhịp nhàng, hiệu quả hơn, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Các vụ việc được phát hiện sớm, chỉ đạo xử lý nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; rõ đến đâu xử lý đến đó, có tác dụng răn đe cao. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương với tinh thần toàn dân, toàn diện, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sau hơn 1 năm thành lập đã phát huy tác dụng tốt, hoạt động hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 2.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trình bày báo cáo tại cuộc họp. Ảnh Ban Nội chính Trung ương

Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu: Phấn đấu đến hết năm 2023 kết thúc điều tra 7 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 11 vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố xét xử các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC, giai đoạn II vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi;…

Tính đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát, đề nghị truy tố 86 bị can, trong số này có bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố 3 tội danh Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.; vụ Tân Hoàng Minh cơ quan điều tra đề nghị truy tố 15 bị can; vụ Tập đoàn FLC đề nghị truy tố 21 bị can, trong đó có Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch của đơn vị này; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã được Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can, trong số các bị can của vụ án này có 3 cựu Ủy viên Trung ương, là các ông: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và Phạm Xuân Thăng.

Vụ án xảy ra tại  Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC, giai đoạn II vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đã được TAND tỉnh Quảng Ninh và TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm.