Ngày 22/11, thông tin từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho biết vừa tổ chức lễ công bố và phát động Cuộc thi quốc tế lần thứ nhất về nghiên cứu và thiết kế thiết bị bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicle-UAV).
Đại diện các trường ĐH trong và ngoài nước thực hiện nghi thức phát động cuộc thi. Ảnh: TDTU
Đây là cuộc thi quốc tế lần thứ nhất về nghiên cứu và thiết kế thiết bị bay không người lái do Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Học viện Hàng không Việt Nam cùng 2 trường đến từ Công hòa Séc là Trường ĐH Kỹ thuật Ostrava, Trường ĐH Tomas Bata phối hợp tổ chức.
Chủ đề cuộc thi là "Định vị và thả" với mục đích phát triển một hệ thống thiết bị bay không người lái cho phép các mô-đun cảm biến được thả xuống mục tiêu.
Năm mục tiêu sẽ được tạo ra trên mặt đất, mỗi mục tiêu có đường kính 100 cm và độ khó tăng dần, như sẽ có khói, hơi nước... Nhiệm vụ của drone (máy bay không người lái) dự thi sẽ là thả một vật thể xuống mục tiêu từ độ cao xác định trước với độ chính xác chuẩn nhất có thể khi va chạm.
Theo ban tổ chức, đây là cuộc thi quốc tế nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh các trường ĐH trong và ngoài nước. Cuộc thi lần thứ nhất sẽ được diễn ra tại TP.HCM vào tháng 6/2024. Các năm sau đó sẽ được tổ chức tại Cộng hòa CZech và quốc gia khác.
Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 6.000 đô la Mỹ.
Cuộc thi nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên thuộc các lĩnh vực điện - điện tử, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI)... Đây là cơ hội để người học áp dụng kiến thức về thiết kế mô hình, lập trình, AI, phân tích hình ảnh, các kỹ năng làm việc nhóm vào thực tế nghiên cứu UAV (máy bay không người lái) hoàn chỉnh cũng như gặp gỡ với các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực Drone.
Ngoài ra, cuộc thi cũng là cơ hội để sinh viên dễ dàng định hướng nghề nghiệp trong tương lai, kết nối với cộng đồng chuyên gia, và phát triển cơ hội khởi nghiệp. Cuộc thi cũng là tiền đề để các trường đại học trong và ngoài nước giao lưu học thuật, mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu, hình thành nhóm nghiên cứu chung về Drone và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung.