Xây dựng nông thôn mới ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn có sự đồng lòng chúng sức rất lớn của người dân. Clip: Hà Thanh
Người dân đồng tình xây dựng nông thôn mới
Đại Lịch là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, cách trung tâm huyện 40km, với tổng diện tích tự nhiên là 4.342,68 ha. Xã có 7 thôn với 1.127 hộ và 4.585 nhân khẩu. Tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm trên 60%, trong đó chủ yếu là người Tày.
Năm 2016, xã Đại Lịch là địa phương đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Văn Chấn, đến nay, diện mạo của xã đã có nhiều đổi thay tích cực.
Đời sống và thu nhập chính của nhân dân là sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7,07%.
Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã được đầu tư tương đối hoàn thiện và đồng bộ. Đến nay, 100% các tuyến đường trục đã được cứng hóa bằng nhựa và bê tông.
Thuận lợi của địa phương này trong quá trình xây dựng nông thôn mới đó là luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân.
Có sự thay đổi tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bà Đặng Thị Kim (thôn Bằng Là 2, xã Đại Lịch) phấn khởi cho hay: "Trước đây con đường từ trục chính vào gia đình bà chỉ là con đường đất nhỏ đủ cho xe máy đi lại, vào mùa mưa thì đường lầy lội, bà con đi lại rất vất vả.
Nhưng từ khi có chủ trương làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới, được nhà nước hỗ trợ xi măng, các hộ gia đình đã bàn nhau vay tiền để đóng góp làm đường, có những hộ đóng góp tới 40 – 50 triệu đồng. Đến nay, đường bê tông đã làm xong nên bà con đi lại rất thuận tiện, ô tô có thể vào tận nhà vì thế chúng tôi rất mừng".
Đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới nâng cao
Sau 7 năm đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay xã Đại Lịch đang tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí để hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của chương trình, UBND, MTTQ và các đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm và vai trò của các chủ thể trong việc tham gia thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới.
Xác định nông nghiệp là trọng tâm trong việc phát triển kinh tế địa phương, xã Đại Lịch đã tập trung thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 một cách có hiệu quả, bền vững. Thông qua đó đã tạo được bước chuyển dịch trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân.
Gia đình chị Lê Thị Lan (thôn Bằng Là 1, xã Đại Lịch) hiện đang phát triển kinh tế với mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp kết hợp trồng rừng mang lại thu nhập ổn định. Chị Lan chia sẻ: "Gia đình tôi hiện đang trồng đan xen các loại cây ăn quả như thanh long, vải, cam quýt…
Đây là những loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng trong vùng. Hàng năm, thanh long cho thu hoạch đều đặn từ tháng 5 đến tháng 11, cam quýt cho thu hoạch từ tháng 10 đến hết năm… Cùng với hơn 4 ha đồi rừng nên gia đình tôi luôn có thu nhập thường xuyên".
Đến nay, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã Đại Lịch phát triển toàn diện và có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 105 ha, sản lượng 1.200 tấn/năm, giá trị trên 10 tỷ đồng; Vùng sản xuất chè nguyên liệu có diện tích 170ha, sản lượng trên 3.000 tấn/năm, giá trị trên 9 tỷ đồng. Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có diện tích 245ha, sản lượng trên 4.800m3/năm, giá trị 4,8 tỷ đồng; Vùng trồng cây ăn quả có múi, diện tích 165 ha, sản lượng quả 200 tấn, giá trị trên 3 tỷ đồng.
Xác định phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là trọng tâm trong phát triển kinh tế, động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; UBND xã luôn tạo điều kiện các hộ dân trên địa bàn đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương.
Trong những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển các dự án kinh tế của tỉnh và huyện, nhân dân xã Đại Lịch đã tích cực tham gia các loại hình phát triển kinh tế, thành lập và hoạt động có hiệu quả các tổ giúp nhau làm nhà, tổ hợp tác giúp nhau làm giàu chính đáng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,3 triệu đồng/người/năm. Năm 2023 tăng lên 51,87 triệu đồng/người/năm. Kết quả rà soát đánh giá cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã còn 83/1.109 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 7,48%).
Với nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và người dân, chương trình MTQG xây dựng NTM, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã đã huy động, lồng ghép được nhiều nguồn lực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới đạt gần 85 tỷ đồng.
Ông Bùi Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch cho biết: Trong những năm qua với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, địa phương đã hoàn thành các tiêu chí về đích nông thôn mới năm 2016.
Trong năm 2023 xã Đại Lịch được huyện Văn Chấn lựa chọn để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, do đó ngay từ đầu năm, Đảng bộ đã có kế hoạch chỉ đạo xây dựng Nghị quyết chuyên đề, trong đó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã cũng đã quyết liệt đôn đốc thực hiện các tiêu chí, trước hết là duy trì 19 tiêu chí nông thôn mới đã đạt, sau đó tiếp tục triển khai những tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.
Đến thời điểm hiện tại, xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ minh chứng để đề nghị được công nhận nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.