Về việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nghiệm khoa Nam học, Bệnh viện Quân đội 108 nhấn mạnh: "Ngày nay, tỉ lệ các cặp đôi vô sinh hiếm muộn tăng cả về số lượng lẫn hình thức. Để hạn chế tình trạng trên, việc các cặp vợ chồng trước hôn nhân đi khám sức khỏe tiền hôn nhân điều vô cùng cần thiết”.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạ t- Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Nam học, Bệnh viện Quân đội 108, các cặp vợ chồng khi khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể phát hiện những bệnh truyền nhiễm có thể lây qua con đường tình dục như HIV, viêm gan A, viêm gan B... thường có triệu chứng nhận biết không rõ ràng, rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu của bệnh.
Nếu không được phát hiện sớm có thể lây sang vợ hoặc chồng và lây từ mẹ sang con, trở thành gánh nặng đối với cuộc sống gia đình.
"Nếu chẳng may mắc phải những căn bệnh này, các cặp đôi có thể ngăn chặn việc lây nhiễm chéo thông qua các xét nghiệm tiền hôn nhân. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ lẫn nhau.
Việc phát hiện và điều trị sớm cũng giúp giảm nguy cơ vô sinh, hiếm muộn hay sảy thai cho các cặp vợ chồng", bác sĩ Đạt nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Phan Lê Nhật Long, khoa Nam học, Bệnh viện Quân đội 108, các cặp vợ chồng khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ được làm các kiểm tra:
Khám sức khỏe sinh sản
Cho nam giới: Xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm dịch niệu đạo, nội tiết tố sinh dục.
Cho nữ giới: Soi tử cung, kiểm tra vòi trứng… siêu âm tuyến vú, soi tươi dịch âm đạo, kiểm tra hormone sinh dục: Estrogen, LH, FSH, progesterone (ở nữ).
Xét nghiệm nhóm máu
Xét nghiệm máu đánh giá được sự tương thích về nhóm máu của các cặp vợ chồng. Trường hợp người vợ có nhóm máu Rh(-) kết hôn với chồng có nhóm máu Rh(+) phải được chăm sóc và theo dõi nghiêm ngặt trong suốt thai kỳ.
Bởi lúc này, kháng thể trong máu của người mẹ có thể phá hủy các tế bào máu của thai nhi làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc chết lưu thai.
Xét nghiệm sàng lọc các bệnh lý di truyền
Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh di truyền cho gen trội thì đứa trẻ có 50% nguy cơ bị mắc bệnh. Nếu bố hoặc me mang bệnh bất thường ở gen lặn thì trẻ có 25% nguy cơ mắc bệnh di truyền của cả bố mẹ, 50% nguy cơ mắc bệnh của cả bố mẹ và chỉ có 25% trẻ khỏe mạnh bình thường.
Các vấn đề về bệnh di truyền cũng có tỷ lệ khác nhau ở trẻ nam và nữ như bệnh mù màu hay máu khó đông. Đây là những căn bệnh liên quan đến đột biến gen trên nhiễm sắc thể giới tính. Các bệnh như tim bẩm sinh, hở hàm ếch... xảy ra do sự kết hợp của yếu tố di truyền và môi trường.
Thông qua xét nghiệm tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện nhiễm sắc thể đồ, đánh giá cây gia phả của cả vợ và chồng giúp phát hiện những bất thường trong nhiễm sắc thể, tiên lượng tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh di truyền hoặc dị tật bẩm sinh.
Qua đó, bác sĩ cũng giúp các cặp vợ chồng chuẩn bị sẵn tâm lý, theo dõi và sàng lọc gen xấu để tìm cách can thiệp đúng thời điểm.