Đây là quá trình thường xuyên, liên tục hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, bảo đảm hài hòa các hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.
Gần một đời gắn bó với xã cù lao Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) cũng là ngần ấy thời gian gia đình lão nông Dương Văn Minh hít thở cùng hương bưởi thơm nồng. Bưởi như một người bạn sớt chia bao nỗi vui buồn của người nông dân.
Ông Minh kể, từ nhỏ, nông dân nơi đây đã hiểu rõ từng tính nết của cây bưởi. Nhờ áp dụng khoa học hiện đại vào sản xuất, những vườn bưởi ở Bạch Đặng quanh năm mướt xanh, trĩu quả.
Ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã cù lao Bạch Đằng được chọn làm thí điểm. Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014, địa phương tiếp tục kiên trì hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Đặc biệt, Bạch Đằng đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025 đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, và trở thành Làng thông minh đầu tiên Bình Dương. Đây là nơi đáng sống với môi trường thiên nhiên trong lành, và phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
Theo ông Minh, từ khi được chọn thí điểm xây dựng Làng thông minh, các nhà vườn càng có động lực chú trọng đầu tư để cho chất lượng trái ngon và an toàn. Mô hình Làng thông minh sẽ là một lợi thế để người nông dân tiếp cận được công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp.
"Người dân trong xã đang nhen nhóm dần các tập quán canh tác tốt cũng như nghiên cứu cách thức để xử lý, bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị trái bưởi đặc sản", ông Phạm nói.
Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.Tân Uyên cho biết, Thành phố tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí của đô thị loại III, song song với nâng chất các tiêu chí nông thôn mới ở 2 xã Bạch Đằng và Thạnh Hội.
Riêng xã Bạch Đằng, sau 3 năm thí điểm xây dựng Làng thông minh, địa phương đã đạt một số kết quả quan trọng. Đến nay, xã Bạch Đằng đã triển khai nhiều công trình, hạng mục quan trọng như khởi công xây cầu Bạch Đằng 2. Toàn xã có 37 tuyến đã được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, cùng 39 điểm camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng. Công tác vệ sinh môi trường thu gom và xử lý rác thải được thực hiện tốt.
Hiện nay, xã Bạch Đằng đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 3, và 4. Cụ thể, xã triển khai dịch vụ mức độ 3 được 28 thủ tục trên 9 lĩnh vực; mức độ 4 được 82 thủ tục trên 28 lĩnh vực.
Trong xã có 35 điểm phát sóng wifi tốc độ cao miễn phí được lắp đặt tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng. "Các điểm phát sóng wifi không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí mà còn giúp người dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào trong sản xuất", ông Trí nói.
Năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2128 phê duyệt nhiệm vụ Khoa học Nghiên cứu giải pháp và xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ sản xuất một số nông sản chủ lực trên địa bàn xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên).
Hiện nay, xã Bạch Đằng đang tiếp tục xây dựng mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn.
Theo PGS, TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Marketing (TP.HMC), hiện tượng di dân từ nông thôn đến các thành phố thông minh ngày càng mạnh.
Điều này dẫn đến mất cân bằng giới, mất cân bằng về lao động, dẫn đến phát triển kinh tế, xã hội không đồng đều, khó bền vững. Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc xây dựng Làng thông minh là cần thiết.
Để mô hình tiếp tục phát triển trong những năm tới, Bình Dương cần xác định rõ xây dựng Làng thông minh phải dựa trên nhu cầu của người dân; giúp người dân tự nhìn ra những trở ngại, thách thức đối với sự phát triển trong cộng đồng làng xã của họ, và cùng tham gia vào thực hiện.
Bình Dương cần hướng các chương trình phát triển công nghệ, các giải pháp kỹ thuật số để cải thiện khả năng liên kết giữa nông thôn và thành thị. "Trong đó, tỉnh tập trung phát triển thị trường hàng hóa nông sản thông qua việc công nghệ số, như xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn cho nông sản thực phẩm, hướng đến mỗi sản phẩm của làng thông minh là một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu", TS. Phạm Tiến Đạt gợi ý.
Ông Lê Minh Trí cũng cho biết, bước sang giai đoạn 2023-2025, xã Bạch Đằng sẽ tập trung phát triển chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh.
Trong đó, địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông đồng bộ, quản lý sử dụng hiệu quả quy hoạch xây dựng theo phương châm "nhà nhà kiểu mẫu, thôn kiểu mẫu, xã kiểu mẫu", gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo ông Phạm Văn Bông - Giám Đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, hiện nay, toàn tỉnh có 41/41 xã đều được trang bị hệ thống đài truyền thanh không dây; và hơn 1.200 cụm loa trải đều các thôn, ấp, cụm dân cư; có 100% xã đạt tiêu chí số 8 (về thông tin và truyền thông).
Thực hiện chuyển đổi số trong nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, Bình Dương tiếp tục triển khai kế hoạch thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng.
Làng thông minh sẽ là nơi tập trung sáng kiến liên quan đến công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn.
Đây là tiền đề hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh, nhằm bảo đảm xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, bảo đảm hài hòa các hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và bản sắc văn hóa.