Cụ thể, ông Hồ Quang Cua nhận định, giá lúa Việt Nam không giữ được như ngày hôm nay, ưu thế gạo của Việt Nam trên thế giới sẽ ngày càng giảm nếu không tăng cường công tác quản lý giống lúa.
"Nếu không làm được chuyện này (tăng cường công tác quản lý giống lúa - PV) sớm thì thiệt hại về tài nguyên giống ở Việt Nam rất lớn và rất đáng tiếc" - ông Cua nhấn mạnh.
Cha đẻ lúa ST25 phân tích, nếu không tăng cường công tác quản lý giống lúa thì chất lượng gạo càng lúc càng kém đi. Lúc đó, người nông dân sẽ giảm thu nhập một cách rất đồng đều.
Hơn 30 năm năm qua, ông Cua chuyên đi phân tích chất lượng giống lúa. Qua đó nhận thấy, giải pháp giúp nông dân hưởng lợi lâu dài là giống lúa chất lượng cao, tức giống lúa cho ra gạo mềm cơm được trồng nhiều và tăng dần diện tích. Tuy nhiên, diện tích trồng giống lúa chất lượng cao đã không như mong đợi.
"Thí dụ năm 2022, Việt Nam xuất khẩu Đài Thơm 8 gần 30% doanh số gạo xuất khẩu, tướng ứng với diện tích khoảng 800.000 ha. Trong số này, lượng giống từ đơn vị sản xuất cung ứng ra chỉ có 30.000 tấn (tương đương 300.000ha), vậy là còn 500.000ha đó là lúa gì?" - ông Cua nói.
Ông Cua nói tiếp: "Ngoài ra, từ khi giống lúa Jasmine 85 ra đời (năm 1993), dần dần những giống lúa chất lượng cao khác cũng xuất hiện và nó cũng biến mất một cách rất đều đặn".
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do bị làm giả, có nhiều đơn vị tư nhân tự sản xuất, không kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng gạo khác đi.
Trước tình hình trên, ông Cua đề xuất Bộ NNPTNT tăng cường công tác quản lý giống lúa, cũng như có giải pháp tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.
Ở một diễn biến khác, cũng tại hội thảo trên, TS Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Đại học Cần Thơ cho biết, lợi nhuận nông dân trồng lúa hiện đã giảm hơn so với 10 năm trước.
Tuy tổng thu nhập nông dân trồng lúa ở thời điểm hiện nay tuy tăng cao hơn so với 10 năm trước, nhưng do chi phí đầu tư tăng cao khiến lợi nhuận nông dân thu được sụt giảm hơn.
Ông Nhân phân tích, trong 10 năm qua, giá lúa tăng bình quân khoảng khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi giá phân bón tăng khoảng 4.000-7.000 đồng/kg (phân đạm và kali tăng khoảng 4.000 đồng/kg và DAP là khoảng 7.000 đồng/kg), đẩy chi phí sản xuất từ 2.000 đồng/kg lên mức khoảng 4.000 đồng/kg như hiện nay, nhất là ở vụ thu đông và hè thu.
Để nông dân trồng lúa có lợi nhuận, ngoài việc phải bán lúa với mức cao như hiện hiện nay, thì nông dân phải trồng giống lúa có chất lượng, đồng thời thực hiện các giải pháp giảm chi phí sản xuất.