Ngày 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì họp phiên thứ 8 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 7 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, với 86 dự án, khối lượng công việc rất lớn, các công trình trọng điểm phân bổ tương đối đồng đều trên các vùng miền, địa phương. Chúng ta cần quyết tâm triển khai để có thể thực hiện các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Sau phiên họp thứ 7, nhiều công việc đã được triển khai. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia; ban hành 3 Công điện để thúc đẩy triển khai các dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Thủ tướng, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng.
Chúng ta cũng đang chuẩn bị thủ tục để triển khai các dự án khác và xây dựng một số cơ chế, chính sách để giải quyết khó khăn, vướng mắc, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6.
Thủ tướng ghi nhận thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ, tiến độ cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Đặc biệt, đã khởi công gói thầu nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đây là hai dự án có ý nghĩa rất lớn với vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Cùng với đó, khởi công dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, khánh thành 2 dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Công tác chuẩn bị đầu tư cũng được các địa phương tích cực, chủ động triển khai. Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc của Bộ GTVT, tỉnh Bình Phước, Cao Bằng, Lâm Đồng. Một số địa phương triển khai còn chậm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Lạng Sơn cần tập trung và ưu tiên để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.
Về công tác thi công, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Tuyên Quang - Phú Thọ có khối lượng thực hiện tốt.
Thủ tướng đánh giá, sau phiên họp thứ 7, các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu đã có thêm kinh nghiệm, năng lực được nâng lên, phát huy tinh thần vượt nắng thắng mưa, đẩy lùi thách thức, vượt qua khó khăn, tranh thủ thuận lợi, thừa thắng xông lên để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu được giao. Các mục tiêu đặt ra cơ bản hoàn thành.
Bên cạnh đó, nhiều dự án đã khởi công nhưng tiến độ triển khai còn chậm do các nguyên nhân như bố trí nguồn nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thời tiết những tháng qua là mùa mưa…
Thủ tướng nêu rõ 3 ý nghĩa lớn nếu triển khai các tốt các dự án, công trình quan trọng, trọng điểm GTVT: Góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân đầu tư công theo Kết luận 64 của Hội nghị Trung ương 8 vừa qua; góp phần tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Để triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, của Quốc hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, trong đó có mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần tiến công, chủ động, tích cực, quyết liệt hơn nữa, tăng cường phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả, hằng tháng giao ban để xử lý các khó khăn, vướng mắc, giảm bớt các thủ tục hành chính, giải quyết các công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh, kịp thời báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải rà soát để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết các khó khăn về nguyên vật liệu xây dựng thông thường; bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư theo yêu cầu...
Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong đầu tư, xây dựng, quản lý các công trình giao thông, trong đó có các tuyến đường bộ cao tốc, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Dù được đầu tư từ nguồn vốn Trung ương hay vốn địa phương, thì tuyến đường nào cũng là của đất nước ta, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác chuẩn bị đầu tư, về vật liệu xây dựng, về giải phóng mặt bằng và về triển khai thi công…
Về công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT và các địa phương (TP. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tiền Giang) cần khẩn trương hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo khả thi của các dự án theo các nhiệm vụ đã được Bộ GTVT đề xuất trong báo cáo. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường… cùng phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan về đất rừng, nguồn vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường… để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long căn cứ trên nhu cầu các dự án đã được Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất tại các buổi làm việc để bố trí nguồn cung bảo đảm tiến độ các dự án trên nguyên tắc vì lợi ích chung của cả khu vực.
Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương có kết luận về việc sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu san lấp, hoàn thành trong tháng 12/2023...
Đối với khoản vay ODA và vay ưu đãi của dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công; sớm hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh gia hạn các khoản vay ODA của các nhà tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; sớm có ý kiến chính thức đối với phía Nhật Bản về gia hạn Hiệp định vay lần 2 cho dự án Bến Lức - Long Thành.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh thủ tục để di di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nếu có các công trình liên quan phải triển khai nhanh các thủ tục để bàn giao mặt bằng.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng cường nhân lực, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ tiến độ triển khai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, các dự án Cảng hàng không Long Thành, Tân Sơn Nhất; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm bàn giao mặt bằng tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.
Các nhà thầu phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường…, các đơn vị tư vấn tăng cường giám sát, kiểm tra.
Các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông, phản ánh những mô hình hay, cách làm tốt, điển hình tiên tiến và những hạn chế, bất cập, tồn tại… để tạo đồng thuận xã hội, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ GTVT theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai các nội dung, công việc, tiến độ được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo giao.