Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4/2023, Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" đã được tổ chức tại 8 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Bạc Liêu, Quảng Bình và gần đây nhất là tỉnh Bến Tre, với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Chương trình đã trực tiếp thăm hỏi, tặng hơn 1.600 phần quà; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn ngư dân; tổ chức các tọa đàm pháp lý liên quan đến công tác tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt.
Chương trình đáp lời cùng ngư dân để kết nối mong mỏi của bà con ngư dân với chính quyền sở tại. Chương trình cũng đã trao tặng hơn 275 phần học bổng, hàng trăm bộ dụng cụ học tập, thực phẩm… cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi.
Tại Bình Thuận lần này, có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (Chủ tịch danh dự của Chương trình); ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận.
Chương trình còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam; lãnh đạo một số cơ quan báo chí của Trung ương và TP.HCM; đại diện lãnh đạo các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của tỉnh Bình Thuận, cùng lãnh đạo các Sở, Ban, ngành và đông đảo bà con ngư dân tỉnh Bình Thuận tham dự.
Tại Chương trình này, ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và Ban tổ chức đã trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà 3 gia đình ngư dân tiêu biểu ở phường Hưng Long, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Đoàn đã lắng nghe các hộ gia đình ngư dân trao đổi các vấn đề sinh kế, cũng như mong muốn bám biển giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Dịp này báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Tọa đàm "Bảo vệ môi trường biển để phát triển kinh tế bền vững tại tỉnh Bình Thuận".
Chương trình có tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường, kinh tế biển như PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam; các chuyên gia pháp lý và môi trường khác đến từ Đại học Luật TP.HCM, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM….
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đã tập trung chỉ ra những thực trạng về môi trường biển, nguồn nội sinh của biển tại địa phương. Bên cạnh đó là chia sẻ các kinh nghiệm, kiến nghị các giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nội sinh của biển và phát triển hệ sinh thái kinh tế biển.
Các cơ quan chức năng và các chuyên gia cũng thông tin đến bà con ngư dân những diễn biến mới nhất về hoạt động tháo gỡ thẻ vàng Châu Âu đối với hải sản Việt; vai trò của bà con ngư dân trong vấn đề này và các đối sách quan trọng khác.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao tặng 200 phần quà, mỗi phần trị giá hơn 4 triệu đồng cho 200 hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bao gồm: Một bình acquy + đèn led+ hộp combo pin Con Ó, một cẩm nang "Những điều cần biết về đánh bắt hải sản", một túi thuốc gia đình phục vụ cho ngư dân ra khơi (với những loại thuốc cần thiết).
Ban tổ chức cũng tặng 40 suất học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi ở Bình Thuận: Mỗi suất học bổng gồm 2 triệu đồng tiền mặt và một số quà tặng thiết thực.
Thông qua Chương trình này, Ban Tổ chức mong muốn, góp phần hiệu quả trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển; ý thức bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn nội sinh của biển. Qua đó góp phần đưa kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận ngày càng phát triển gắn liền với những giá trị bền vững.
Đặc biệt, Ban tổ chức hy vọng bà con ngư dân của tỉnh nhà sẽ tiếp tục cùng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương, cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam theo Kế hoạch Hành động mà Thủ tướng đã ban hành. Đồng thời, Chương trình cũng mong là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
BBT Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, trong 3 năm từ 2023 - 2025, chương trình dự kiến thực hiện tại 28 tỉnh thành có biển trong cả nước gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Tổng cộng có 5.600 ngư dân trong cả nước được nhận quà từ chương trình. Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến hàng chục tỉ đồng.
Chương trình cũng sẽ tuyên dương, nhân rộng những mô hình, những nhân tố tích cực biết làm giàu từ biển; tôn vinh những hành động tốt đẹp, khoa học để bảo vệ biển, nuôi dưỡng nguồn sinh của biển; tạo ra các giá trị cạnh tranh cho ngành thủy sản Việt vươn ra quốc tế.
Dịp này, báo Pháp Luật TP.HCM cũng phối hợp với địa phương tổ chức Chương trình "Chia sẻ khó khăn – Đón xuân ấm áp" diễn ra tại UBND phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết.
Ban tổ chức cũng trao 200 phần quà cho 200 gia đình khó khăn sống ở TP. Phan Thiết và mỗi phần gồm: 500.000 đồng tiền mặt + thùng sữa Aiwado + Thùng cháo yến – sữa Kun+ Chai nước chấm…