Thay đổi lớn trong trồng lúa chất lượng cao ở Bình Thuận, liên kết để nông dân có lợi nhuận từ 10 - 15%

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 22/11/2023 18:51 PM (GMT+7)
Ngày 21/11, nguồn tin Dân Việt cho biết, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Văn bản (Số: 4517 /KH-UBND) ban hành Kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025.
Bình luận 0

Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao cho Bình Thuận

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, quan điểm và mục tiêu của tỉnh là phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh Bình Thuận ở các vùng sản xuất trọng điểm lúa.

Thay đổi lớn trong sản xuất lúa chất lượng cao, liên kết đầu ra để lợi nhuận tăng thêm từ 10 - 15% - Ảnh 1.

Hiện có nhiều nông dân ở huyện Đức Linh liên kết trồng lúa hữu cơ được HTX nông nghiệp Trường Phúc bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Thế Minh

Bên cạnh đó phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng lúa. Từng bước chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trong sản xuất lúa. UBND tỉnh Bình Thuận sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây lúa, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó là tăng cường thương mại hóa và tính bền vững của chuỗi giá trị và phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất lúa chất lượng cao...

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025, ổn định diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao khoảng 17.745 ha, năng suất trên 60 tạ/ha. Trong đó có khoảng 50% diện tích liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Và theo kế hoạch này thì lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 - 15% so với sản xuất thông thường. Đến năm 2025, Bình Thuận xây dựng 15 mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Thay đổi lớn trong sản xuất lúa chất lượng cao, liên kết đầu ra để lợi nhuận tăng thêm từ 10 - 15% - Ảnh 2.

Một cánh đồng lúa hữu cơ ở huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Sản xuất lúa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Bình Thuận cũng đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong. Những địa phường này sẽ chuyển nhanh sang sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó là xây dựng 5 chuỗi liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị và khoảng 30 mô hình trình diễn thử nghiệm một số giống lúa chất lượng cao. Việc này nhằm xác định một số giống lúa có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu đưa vào cơ cấu giống của địa phương.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng và nông dân phải đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất.

Cụ thể, các vùng lúa chất lượng cao được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Những hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng nông dân được cung cấp đầu vào bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.

Giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết lại để tập trung ruộng đất, tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên canh. Từ đó, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo thuận lợi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm lúa đồng nhất về chất lượng.

Ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gạo hữu cơ

Theo kế hoạch trên, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các ngành chức năng đẩy mạnh liên kết giữa các vùng lúa chất lượng cao trong sản xuất, chế biến nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng và hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế…

Bên cạnh đó là tăng cường ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gạo có giấy chứng nhận chất lượng, gạo theo hướng hữu cơ.

Thay đổi lớn trong sản xuất lúa chất lượng cao, liên kết đầu ra để lợi nhuận tăng thêm từ 10 - 15% - Ảnh 4.

HTX nông nghiệp Trường Phúc bao tiêu sản phẩm trồng lúa hữu cơ với bà con nông dân huyện Đức Linh. Ảnh: Thế Minh

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, lúa là một trong những cây trồng sản xuất chính của tỉnh trong nhiều năm qua với diện tích canh tác hàng năm lên đến trên 100.000 ha, năng suất bình quân dao động từ 5,5 - 5,8 tấn/ha.

Thế những, phần lớn tập quán canh tác tại nhiều địa phương trong tỉnh còn lạc hậu, nông dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân đạm nhiều, điều đó dẫn đến chi phí thu hoạch tăng cao nhưng năng suất lúa giảm xuống.

Vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao được tỉnh xác định là vùng sản xuất lúa tập trung có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của địa phương, tuân thủ quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Trong những năm gần đây, vùng lúa thương phẩm tập trung chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp nông dân trong tỉnh an tâm đầu tư vào sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, đồng thời không bị thương lái ép giá.

Hiện tại, hai huyện Đức Linh, Tánh Linh có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh. Để triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, huyện Đức Linh đã xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Trao đổi với Dân Việt, đại diện UBND huyện Đức Linh cho biết, thời gian qua huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp xây dựng vùng lúa chất lượng cao. Nhờ đó mà ngành nông nghiệp huyện Đức Linh áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất cánh đồng lớn, theo chuỗi giá trị và đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp về sản phẩm gạo đặc sản gắn với thị trường cao cấp.

Thay đổi lớn trong sản xuất lúa chất lượng cao, liên kết đầu ra để lợi nhuận tăng thêm từ 10 - 15% - Ảnh 5.

Nông dân Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình(Tánh Linh) là người tạo nên thương hiệu gạo hữu cơ Đức Lan nổi tiếng ở Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Ông Giáp Hà Bắc- Chủ tịch UBND huyện Tánh cho biết, nhiều cánh đồng lớn ở huyện Tánh Linh được hưởng lợi thế từ nguồn nước và phù sa ở hạ lưu sông La Ngà nên đạt chất lượng tốt. Cũng theo ông Giáp Hà Bắc, hàng năm huyện Tánh Linh gieo trồng trên 23.000 ha lúa và huyện luôn chú trọng xây dựng thương hiệu Gáo Tánh Linh và hiện nay, thương hiệu Gạo Tánh Linh đã có uy tín với người tiêu dùng trên cả nước…

UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện Kế hoạch trên.

Cụ thể, hướng dẫn nông dân ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật phù hợp sản xuất từng vùng, từng địa phương.

img

Nông dân huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận áp dụng trồng lúa hữu cơ kết hợp chuyển đổi số 4.0. Ảnh: Bùi Phụ

Trong đó chú trọng thông báo lịch thời vụ phù hợp cho từng tiểu vùng trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo các hộ dân sản xuất lúa chất lượng cao gieo cấy đúng lịch thời vụ. Tập huấn chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại… Trong đó, tùy vào điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước và nhu cầu thị trường để áp dụng các giống lúa phù hợp theo từng địa phương như An Sinh 1399, OM 84, ST24, ST25, OM 5451, OM 18, OM 375, Nàng hoa 9, Đài thơm 8… Hướng dẫn nông dân sử dụng sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, an toàn thực phẩm, hữu cơ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem