Ghi nhận tại các xã Phú Cát, Phú Mãn, Đông Xuân thuộc huyện Quốc Oai, loại hình homestay được người dân ưa chuộng đầu tư. Mục đích nhằm vừa phát triển kinh tế tại chỗ, tận dụng cảnh quan sẵn có với địa hình đồi núi, nhiều sông suối,... tùy vào vị trí, diện tích mà người dân lựa chọn mô hình đầu tư khác nhau.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chủ một homestay tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai cho biết do trồng cây nông nghiệp không mang về nhiều lợi ích kinh tế nên đã chuyển dịch sang du lịch nghỉ dưỡng, cắm trại.
“Từ trung tâm thành phố về đây, khoảng cách chỉ khoảng 50km. Địa phương lại có địa hình, địa thế đẹp nên phù hợp cho các gia đình có nhu cầu nghỉ ngơi cuối tuần”, chủ homestay chia sẻ.
Theo khảo sát của PV, mặc dù không phải đầu tư nhiều nhưng giá một căn cho thuê không hề thấp. Một phòng đơn có diện tích hơn 10m2, bài trí đơn giản, chỉ có giường và điều hòa mức giá cũng từ 1,4 - 1,6 triệu đồng/ngày vào cuối tuần. Hay một lều cắm trại sử dụng điều hòa xách tay có giá từ 600 - 800 nghìn đồng/ngày, tức lợi ích về kinh tế hơn hẳn so với trồng cây nông nghiệp.
Còn tại khu vực quanh hồ Đồng Đò, huyện Sóc Sơn được ví như Đà Lạt thu nhỏ ngay trong Hà Nội. Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại đây, dọc trục đường chính, có đến hàng chục homestay lớn, nhỏ đã và đang xây dựng quanh hồ. Đáng chú ý, phía đối diện bên kia hồ cũng có hàng trăm lều lán được xây dựng phục vụ nhu cầu cắm trại, nghỉ dưỡng.
Theo một quản lý homestay, các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng có cảnh quan thiên nhiên lý tưởng, gần trung tâm thủ đô nên việc kinh doanh trở nên dễ dàng, nhất là những ngày cuối tuần có đến hàng trăm lượt khách có nhu cầu nghỉ ngơi ngắn ngày. Vị quản lý cơ sở này cũng cho biết, giá thuê mỗi phòng khoảng 3 triệu đồng/đêm, muốn có chỗ cũng phải đặt trước vài tuần đến vài tháng.
Tuy nhiên, thời gian qua tại khu vực Đồng Đò, huyện Sóc Sơn, tình trạng hàng loạt homestay "mọc" trên đất rừng phòng hộ. Không chỉ có vài công trình vi phạm mới, dọc theo hồ Đồng Đò, hàng loạt công trình biệt thự, nhà cao tầng xây dựng trái phép vẫn liên tiếp mọc lên dù địa điểm này chỉ cách trung tâm UBND xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn không xa. Vào tháng 8/2023 vừa qua, lực lượng chức năng xã Minh Trí đã vào cuộc, tiến hành cưỡng chế 5 biệt thự, homestay có dấu hiệu sai phạm, xẻ thịt đất rừng, chồng lấn đất ở, đất nông nghiệp cũng như đất vườn quả nằm trên đồi Dõng Chum, thuộc địa bàn xóm Ban Tiện.
Theo các chuyên gia việc kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay nở rộ vài năm trở lại đây. Không ít chủ kinh doanh tận dụng luôn nhà của mình để làm homestay. Có người thuê đất giá rẻ ở ngoại thành để đầu tư xây dựng loại hình lưu trú này. Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan chức năng, việc quản lý hoạt động kinh doanh homestay gặp không ít khó khăn.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, thực tế, nhiều chủ cơ sở homestay để cạnh tranh về giá, không ít cơ sở kinh doanh trong quá trình cải tạo, xây dựng đã cắt giảm các điều kiện về điện nước, an toàn phòng cháy, chữa cháy, y tế... Điều này khiến nhiều cơ sở không bảo đảm chất lượng dịch vụ cũng như sự an toàn cho du khách.
"Các homestay tại Hà Nội hoạt động tự phát rất nhiều. Trong đó không ít cơ sở hoạt động theo mô hình gia đình, sử dụng nhà riêng để mở dịch vụ đón khách nên không đăng ký kinh doanh. Điều này khiến việc quản lý của các địa phương gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội", ông Điệp cho biết.
Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư bất động sản nhận thấy được sức hút của homestay và tiến hành “thương mại hóa” nó thông qua việc xây dựng các khu nhà ở cung cấp dịch vụ chăm sóc, nghỉ dưỡng kết hợp với cảnh quan thiên nhiên. Đối với mô hình homestay, bản chất đã có những khoảng trống từ góc độ pháp lý đến từ Luật đất đai và các luật liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 quy định về “phân loại đất” thì đối với đất thực hiện các dự án homestay, farmstay được phân loại là nhóm đất phi nông nghiệp. Khi nhà đầu tư có nhu cầu muốn sử dụng mảnh đất nông nghiệp này để làm homestay, dùng cho khách tham quan, du lịch và lưu trú thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Trong trường hợp này nếu chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép thì sẽ bị xử lý vi phạm theo Nghị định số 91/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trước sự phát triển mạnh mẽ của mô hình này, thay vì cấm hoàn toàn, chúng ta nên tận dụng nó để phát triển du lịch và bất động sản du lịch bằng cách xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động cho loại hình này.
"Pháp lý các dự án homestay đang khá lỏng lẻo vì đa phần là đất hỗn hợp, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, không được công nhận là mô hình du lịch nghỉ dưỡng nên sẽ rất khó để được tách, cấp sổ đỏ. Nhưng trước mắt cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng các cá nhân, tổ chức tự ý phân lô đất rừng, đất nông nghiệp để xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch không phép, bán và huy động vốn trái phép các lô đất cho nhà đầu tư", ông Châu chia sẻ.