"Squid Game: The Challenge", chương trình thực tế mới nhất, đang "làm mưa làm gió" khi tận dụng thành công của series phim truyền hình đình đám "Squid Game". Các trò chơi từ bộ phim đã được nhà sản xuất đưa vào thực tế, thu hút 456 thí sinh tham gia tranh tài để giành giải thưởng 4,56 triệu USD (hơn 110 tỷ đồng).
Theo Flix Patrol, một trang xếp hạng nội dung OTT (dịch vụ truyền hình qua internet) nổi tiếng nhận định, chương trình này đã chiếm vị trí hàng đầu trong danh mục chương trình truyền hình của Netflix tính đến ngày 27/11. Vào ngày 24/11, ngay sau khi phát sóng, chương trình này đã nhanh chóng leo lên vị trí số một tại 87 quốc gia. Đến ngày 27/11, "Squid Game: The Challenge" vẫn duy trì vị thế dẫn đầu tại 43 quốc gia.
Loạt chương trình hấp dẫn này giới thiệu một hình thức giải trí sinh tồn, trong đó 456 người đến từ nhiều nơi trên thế giới tham gia vào một cuộc thi khốc liệt để có cơ hội nhận được giải thưởng cuối cùng.
Netflix cho biết, số tiền này là "giải thưởng tiền mặt lớn nhất trong lịch sử chương trình truyền hình thực tế". Trước đó, các chương trình thực tế ở Mỹ như "Survivor, America's Got Talent" hay "The Amazing Race" có mức thưởng khoảng 1 triệu USD. Tuy nhiên, một số người chơi đã bỏ cuộc sớm do môi trường quá khắc nghiệt. Chương trình quay tại một nhà đỗ máy bay cũ ở London, nơi nhiệt độ hạ xuống mức -3 độ C trong một đợt rét đậm.
Chương trình thực tế này có nhiều điểm khác biệt so với phim gốc, nhưng vẫn giữ nguyên các lời chỉ dẫn bằng tiếng Hàn, bất chấp người chơi chủ yếu đến từ các nước nói tiếng Anh. "Squid Game: The Challenge" được sản xuất bởi công ty nước Anh có tên Studio Lambert. Chương trình cũng được quay tại Anh thay vì tại Daejeon, Hàn Quốc, bối cảnh của phim gốc. Việc sử dụng bảng chỉ dẫn bằng tiếng Hàn được cho là để duy trì tính trung thành với nguyên tác của bộ phim.
Theo nhà văn hóa Jung Duk Hyun, ông cảm thấy "bâng khuâng" vì người Hàn Quốc đã tạo ra "Squid Game" nhưng không tham gia sản xuất chương trình thực tế. Dù tạo ra phiên bản phim gốc, nhưng người Hàn Quốc không thể tận dụng để sản xuất chương trình "ăn theo". Sau khi "Squid Game" trở thành hiện tượng vào năm 2021, giới làm phim đã nảy sinh nhiều lo ngại về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
Với sự xuất hiện của các nền tảng phát sóng trực tuyến (OTT), chi phí sản xuất và cát-xê các diễn viên đang tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, những bộ phim truyền hình truyền thống đang thua lỗ khá nhiều, làm nảy sinh lo ngại về tương lai của dòng phim này. Chỉ có rất ít bộ phim truyền hình được đầu tư lớn trong năm nay.
Các nền tảng OTT sử dụng vốn đầu tư lớn làm lợi thế, khiến các công ty sản xuất nội dung nhỏ phải vật lộn để tồn tại. Theo nhà văn hóa Jung Duk Hyun, các vấn đề về sở hữu trí tuệ cần được làm rõ ngay từ đầu với các nền tảng OTT, và giới sản xuất nội dung nên đầu tư vào các tác phẩm có chất lượng cao thay vì các tác phẩm có quy mô lớn nhưng không mang lại nhiều giá trị.