Ngày 30/11, Sở GDĐT tổ chức gặp mặt học viên khóa "Bồi dưỡng, nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở nước ngoài cho giáo viên đạt điểm IELTS từ cao xuống thấp" năm 2023 tại Australia.
14 ngày học tại Australia, các học viên được tiếp cận với các phương pháp dạy học hiện đại, phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong dạy và học. Học viên được tiếp cận với các kỹ năng dạy học gắn liền với thực tiễn và kỹ năng thực hành nghiên cứu.
Cùng với đó, học viên được hội nhập môi trường học tập quốc tế, dự các giờ dạy của các giảng viên bản ngữ có trình độ cao, được học cách sử dụng các phương tiện và phần mềm dạy học hiện đại, tiên tiến nhất thế giới.
Khóa học đã giúp các học viên thay đổi về tư duy giáo dục, có định hướng mới cho bản thân trong việc phát triển chuyên môn, nâng cao phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin. Sau khóa học, Sở GDĐT đã thành lập CLB 200 để cùng nhau sinh hoạt, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong công tác dạy học.
Năm 2022, Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức khóa học đưa 199 giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng 14 ngày tại TP Sydney, Australia. Trong số này, người trẻ nhất 24 tuổi, già nhất 53 tuổi, còn lại chủ yếu quanh độ tuổi 30. Kết thúc khóa học, 100% học viên được nhận Chứng chỉ tốt nghiệp khoá học được ký bởi lãnh đạo trường Đại học Western Sydney University.
Tiếp tục phát huy những kết quả đó, năm 2023, Sở GDĐT phối hợp với Phòng PA03, Sở Nội vụ, các Trưởng phòng GDĐT một số quận, huyện và Hiệu trưởng các trường THPT xét duyệt, lựa chọn giáo viên theo các tiêu chí được thống nhất, công khai, minh bạch và tuyển chọn được 56 giáo viên tham gia khóa học.
Dự kiến, khóa học diễn ra từ ngày 4 – 18/12 tại Trường Đại học Macquarie, Australia. "Khóa học tạo điều kiện để các thầy cô được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. Mong rằng sau khóa học, các thầy cô không chỉ học hỏi, tích lũy được những kinh nghiệm quý báu cho bản thân trong công tác dạy học mà còn lan tỏa, chia sẻ những bài học có giá trị được học ở nước tới bạn bè, đồng nghiệp; từ đó học sinh sẽ được thụ hưởng những thành quả tốt đẹp", Giám đốc Sở GDĐT Trần Thế Cương nhắn nhủ.
Thông tin đưa giáo viên đi nước ngoài năm nay cũng tiếp tục gây ra luồng tranh cãi trái chiều. "Đi 14 ngày để nâng cao chuyên môn và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin có lẽ để học hỏi, kết hợp tham quan du lịch thì đúng hơn. Nên thuê chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam đào tạo hoặc cho tất cả giáo viên tiếng Anh được đạo tạo từ xa liên tục khi nào đạt chuẩn thì thôi. Việc này sẽ đỡ tốn kém và số người được đào tạo sẽ nhiều hơn không chỉ giành cho giáo viên có 6,5 IELTS", một ý kiến bày tỏ.
"Nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin thì cần gì IELTS 6.5 và cần gì phải đi nước ngoài", một người đặt câu hỏi.
Một chuyên gia nhìn nhận: "Hà Nội chơi lớn nhưng thiếu đồng bộ… điều quan trọng là mỗi học viên phải trình kế hoạch học tập ở Australia thế nào? Và quan trọng hơn là kế hoạch hoạt động sau học tập ở đây sẽ nhân rộng thế nào?" hay "Trường tư đóng góp thuế cho ngân sách và từ thuế trích chi bồi dưỡng giáo viên trường công?".
Trong khi đó, nhiều người ùng hộ giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài sẽ lĩnh hội kiến thức để nâng cao trình độ. TS Phạm Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục, Trường Đại học Thành Đô chia sẻ với PV Dân Việt: "Không chỉ riêng ở các địa phương đầu tư cho giáo viên đi nước ngoài học tập mà chính Chính phủ Australia cũng có những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn. Có khóa đào tạo tại Việt Nam, có khóa tại Australia, thời gian có thể 2 tuần đến 6 tháng. Bản thân tôi cũng từng sang Australia học 6 tháng. Có thể với giáo viên, 1 tháng bồi dưỡng ở nước ngoài không phải là nhiều nhưng chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều điều nếu chương trình thiết kế hợp lý".
Chúng ta phải nhìn vào đề án lớn của họ. Giáo viên này đi nước ngoài phát triển năng lực thế nào, trách nhiệm đào tạo của họ cho giáo viên khác ra sao, giáo dục địa phương hưởng lợi gì. Hãy chú ý vào những điều này chứ không phải là số người đi bao nhiêu, thời gian đi bao nhiêu tháng, đi học hay đi chơi....".