Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn: Các trường đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh ra sao?

Tào Nga Thứ năm, ngày 30/11/2023 06:42 AM (GMT+7)
Sau khi công bố kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn, một số trường cho biết, sẽ dựa vào kết quả thi của thí sinh để có sự điều chỉnh phù hợp.
Bình luận 0

Ngày 29/11, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn. Thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán. Hai môn còn lại thí sinh tự chọn trong số các môn được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. 

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Tách bạch thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học

Trước sự kiện "nóng" của ngành giáo dục này, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh một trường THPT ở Hà Nội chia sẻ: "Nếu chỉ liên quan đến tốt nghiệp thì phương án 2+2 là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay trung bình các trường vẫn tuyển đến 60% số chỉ tiêu từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó nếu Bộ GDĐT không nới thêm lựa chọn cho học sinh được phép thi thêm môn cho mục tiêu đại học thì buộc các trường sẽ phải tính toán lại phương thức tuyển sinh. 

Thực tế hiện nay nhiều học sinh đã phải đi học thêm môn bên ngoài mà trường không có để phục vụ cho tuyển sinh đại học. Các trường THPT cũng cần tính toán kỹ tổ hợp cho năm sau để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh".

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn: Các trường đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Thầy Trần Mạnh Tùng, nguyên giáo viên Toán Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nêu quan điểm: "Thi bắt buộc Toán, Văn và thí sinh tự chọn 2 môn trong số các môn mà mình chọn học ở THPT là phương án gọn nhẹ, ít tốn kém, giảm căng thẳng (Toán, Văn cũng là 2 môn nền tảng, căn bản, công cụ; các môn khác thì theo lựa chọn của người học). Đã đến lúc cần tách bạch thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Từ lâu, việc ghép kỳ thi "2 trong 1" đã không còn phù hợp bởi mục đích của các kỳ thi là rất khác nhau.

Từ 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên làm đúng vai trò của mình: Xét tốt nghiệp. Kết quả này có thể là một căn cứ về mặt dữ liệu cho việc tuyển sinh (để tham khảo, để làm tiêu chí phụ…) chứ không nên là căn cứ trực tiếp, quyết định việc tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Về mặt mức độ, có thể thấy ngay là ngoài việc thay đổi đề theo hướng đánh giá năng lực người học thì độ khó sẽ giảm đi. Với các trường đại học, cao đẳng thì cần tự chủ hoàn toàn trong vấn đề tuyển sinh theo luật giáo dục đại học 2018".

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Các trường đại học tính toán thay đổi phương án tuyển sinh

Sau khi có quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn, đại diện một số trường đại học nhận định tuyển sinh đại học cũng sẽ có một chút điều chỉnh. 

Trao đổi với PV báo Dân Việt, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TP.HCM cho hay: "Việc lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT không ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển vào các trường đại học, vì nó là kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ kiểm tra lại kiến thức đã học qua các năm của các học sinh. Các trường đại học sẽ có cách khác để xét tuyển vào đại học, ví dụ như các kỳ thi riêng đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét học bạ THPT kết với với bài thi đánh giá năng lực của các trường... 

Kết quả thi tốt nghiệp THPT, nếu có thể, sẽ xét tuyển vào các khối ngành, ví dụ như khối ngành du lịch cho các thí sinh khối xã hội; kinh tế sẽ xét tuyển các thí sinh khối tự nhiên hay xã hội; kỹ thuật và công nghệ thì xét tuyển sinh theo các môn theo hướng tự nhiên... Các trường sẽ tính toán lại các tổ hợp để phù hợp hơn với phương án chỉ thi 2 môn lựa chọn này".

Ngoài ra, theo Ths Sơn, Trường Đại học Công thương TP.HCM cũng đang nghiên cứu cách xét tuyển riêng từ năm 2025.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) cho biết: "Từ năm 2025, Bộ GDĐT sẽ thay đổi tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo phương án thi 4 môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này sẽ thay đổi đến việc thi của thí sinh chứ không ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các trường đại học. Dù vậy, các trường đại học cũng sẽ dựa vào kết quả thi của thí sinh để điều chỉnh tổ hợp môn. 

"Sự điều chỉnh nào của trường cũng dựa theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, chỉ điều chỉnh tổ hợp môn, còn các phương thức giữ lại như cũ", 

Theo ông Quốc Anh, tuyển sinh năm 2024 cơ bản giữ nguyên như năm 2023. Chỉ tiêu dành cho các phương thức không thay đổi nhiều. Cao nhất vẫn dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT, khoảng 50%. 50% còn lại dành cho 2 phương thức xét tuyển học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Nói về quyền lợi với các thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 và dự thi tốt nghiệp vào năm 2025, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết: "Quy chế tuyển sinh đại học đã được giữ ổn định trong 2 năm qua. Dù thi như thế nào các trường vẫn phải đảm bảo nguyên tắc xét tuyển công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Như vậy, các em vẫn được xét tuyển một cách công bằng".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem