Ngày 30/11, Hội thảo khoa học Triển vọng phát triển TP.HCM trở thành trung tâm công nghệ tài chính Đông Nam Á đã được Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp cùng Quỹ Friedrich Naumann Việt Nam tổ chức.
Trong hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng để TP.HCM trở thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) của Đông Nam Á là rất lớn. Từ năm 2010 - 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của TP.HCM tăng gấp đôi.
Ngoài ra, nhiều tổ chức tài chính của thành phố đã bắt đầu sử dụng công nghệ chuỗi (blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI)... để phục vụ khách hàng và doanh nghiệp của họ tốt hơn. Tính đến cuối năm 2022, có 1.371 công ty khởi nghiệp công nghệ và 145 công ty khởi nghiệp FinTech tại TP.HCM, khiến nơi đây trở thành trung tâm Fintech nổi bật nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi phấn đấu trở thành một trung tâm Fintech của Đông Nam Á, TP.HCM đang phải đối mặt với một số thách thức đặc biệt như các thiết bị, sản phẩm, hệ thống công nghệ thông tin hiện nay chưa đủ độ tin cậy để đảm bảo an toàn, an ninh mạng; cơ cấu pháp lý và chế độ thuế vẫn còn quá chặt chẽ và phức tạp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành tài chính; tình trạng quá tải và xuống cấp cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường.
GS Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện FNF Việt Nam cho hay, hiện nay Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng rất cần cơ sở hạ tầng, tài chính mạnh và những yếu tố nhằm thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế nhanh hơn. Đặc biệt, trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, cần phải có những chính sách, khung pháp lý rõ ràng để phát triển công nghệ tài chính, giúp thúc đẩy dòng tiền luân chuyển giữa các quốc gia nhanh hơn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Lam, Giám đốc công nghệ Techfarm Holding cho biết, vừa qua khi các công ty blockchain thoát khỏi Mỹ, không đặt trụ sở ở Mỹ, ngay lập tức HongKong và Singapore tận dụng cơ hội này. Họ phát triển pháp lý cho phép các công ty đó đặt trụ sở, dẫn đến rất nhiều dòng vốn, công ty đã chuyển sang. Việc này cho thấy, chỉ có sự khác nhau về pháp lý đã tạo ra một sự thay đổi rất lớn.
Trong khi đó, pháp lý ở Việt Nam cũng chưa phù hợp, dẫn đến Fintech ở Việt Nam khó phát triển.
"Mặc dù người Việt Nam rất giỏi, các lập trình viên của Việt Nam cực kỳ giỏi. Hiện tại, đối với những công nghệ mới nhất như AI, blockchain... Việt Nam đều làm thuê cho nước ngoài với mức giá rẻ hơn nhân sự nước ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ sức mạnh để đầu tư vào các sản phẩm đó, đem lại lợi nhuận cho đơn vị trong nước nên họ phải làm thuê cho nước ngoài", ông Lam nói.
Ngoài ra, theo ông Lam, Việt Nam cần có một sandbox (nơi thử nghiệm công nghệ mới, sản phẩm mới trong không gian và thời gian giới hạn – pv) cho các công ty khởi nghiệp thử nghiệm, làm việc. Bởi hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp khởi nghiệp làm Fintech nhưng không được bổ trợ.
"Nếu cơ chế TP.HCM cho phép có một cái sandbox, các đơn vị Fintech có chỗ để tập trung lại, họ làm những cái sản phẩm đấy, khi mà được đầu tư một cách xứng đáng, hoặc có những tập đoàn đa quốc gia, nước ngoài vào, những sản phẩm đó, không chỉ phục vụ cho người dân Việt Nam mà còn phục vụ cho quốc tế. Từ đó, thương hiệu của TP.HCM sẽ tự động mạnh lên", ông Lam khẳng định.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ tập trung đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, trong đó phần liên quan đến Fintech sẽ được thêm vào cụ thể và mạnh mẽ hơn. Đó là một cái bộ khung rất quan trọng để có thể triển khai những điều tiếp theo.
Hiện giờ, đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đang được thảo luận theo hướng kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết, trong đó cần làm rõ "liều lượng" của Fintech.
Qua những thảo luận, TS Vũ cho rằng, Fintech cần phải đóng một vai trò quan trọng trong nghị quyết đó, bao gồm một số điều khoản về sandbox và các phân khu để có cơ chế thúc đẩy một số khu chức năng liên quan.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, TP.HCM muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế cần phải có một hướng đi khác biệt so với những trung tâm hiện hữu trên thế giới như Singapore, HongKong... Bởi nếu làm giống và ra đời sau, TP không thể cạnh tranh và cũng không có đủ điều kiện để cạnh tranh.
Để tạo ra sự khác biệt, TP.HCM cần phải tập trung vào Fintech, cần phải có những cơ chế về sandbox để thử nghiệm ở một phạm vi nhất định như blockchain, AI... Điều này sẽ thu hút được nhiều công ty về công nghệ, các công ty Fintech đầu tư, tham gia vào Việt Nam, từ đó dần dần sẽ hình thành lên một trung tâm công nghệ tài chính.
Trung tâm Fintech sẽ là một cấu phần quan trọng của trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP HCM. Để tạo lợi thế và là tiền đề xây dựng trung tâm Fintech trong tương lai, Việt Nam cần sớm ban hành khung pháp lý về sandbox cho những mô hình công nghệ mới.