CLIP: Anh Đinh Văn Thuận (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) chia sẻ về hiệu quả khi áp dụng chuyển đổi số vào bán hàng. Thực hiện: Mai Chiến.
Áp dụng chuyển đổi số, chủ thể OCOP lợi đôi đường
Là người am hiểu sâu rộng về công nghệ thông tin, nhận thấy các nền tảng số ngày càng phát triển, anh Đinh Văn Thuận (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã nắm bắt cơ hội, đưa các sản phẩm yến đạt chuẩn OCOP của gia đình lên ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok và các sàn thương mại điện tử lazada, shopee, tiki… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Nhờ đó, các sản phẩm yến như yến thô, yến tinh, yến trưng của gia đình anh được nhiều khách hàng biết đến; đầu ra tiêu thụ sản phẩm thuận lợi…
"Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng hình thức giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại các hội chợ, hội nghị…, tôi còn đưa sản phẩm yến lên các nền tảng số.
Trong đó, các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok đã giúp gia đình tiêu thụ đầu ra mạnh nhất, chiếm khoảng 70%; các sàn thương mại điện tử lazada, shopee, tiki… chiếm khoảng 20%; còn lại là xúc tiến thương mại", anh Thuận cho hay.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm OCOP đang trình Bộ NNPTNT đánh giá, phân hạng 5 sao.
Hiện nay, ngoài việc kinh doanh các mặt hàng yến, anh Thuận còn cung cấp các loại dược liệu sạch, an toàn do gia đình anh tự trồng như đinh lăng, dây thìa canh, hương nhu… Tất cả các loại dược liệu này cũng đang được quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử.
Anh Thuận khẳng định, áp dụng chuyển đổi số trong bán hàng đã mang lại hiệu quả cao, cao gấp nhiều lần so với cách bán truyền thống như trước đây. Cụ thể, bán được nhiều hàng hơn; mở rộng được thị trường tiêu thụ, khách hàng; giảm chi phí đi lại, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng…
Theo anh Thuận, với hình thức bán hàng online, khách hàng không được tiếp cận trực tiếp sản phẩm, do đó chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu, tiếp đến là câu chuyện về sản phẩm, hình ảnh sản phẩm phải đúng và thật. Có như vậy, khách hàng mới tìm đến mình, quay lại mua sản phẩm của mình.
Nhiều năm nay, anh Nguyễn Tiến Bắc (xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cũng đã đưa các sản phẩm OCOP như mật ong, tinh bột nghệ, bột sắn… lên không gian mạng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới khách hàng có nhu cầu mua.
Anh Bắc chia sẻ, nhờ có các ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok mà khách hàng biết đến sản phẩm của gia đình anh nhiều hơn. Đầu ra tiêu thụ có phần thuận lợi hơn so với bán hàng truyền thống.
"Khách hàng chỉ cần để lại địa chỉ, số lượng sản phẩm cần mua, phía gia đình sẽ gửi hàng về tận nhà cho họ. Qua đó, khách hàng sẽ giảm được chi phí đi lại…", anh Bắc cho hay.
Hơn 150 sản phẩm OCOP được bán trên sàn thương mại điện tử
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định, hiện nay bên cạnh phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng được Nam Định chú trọng thực hiện là tăng cường chuyển đổi số nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả trung ương và địa phương...
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở NNPTNT Nam Định đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, shopee…
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã có trên 150 sản phẩm OCOP được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hữu - Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định chia sẻ, năm 2022, Văn phòng có phối hợp với 1 công ty tổ chức ngày hội Livestream với chủ đề "Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về chương trình OCOP". Qua hình thức livestream, nhiều sản phẩm OCOP được tới tay người tiêu dùng.
"Chương trình OCOP đã bắt kịp với các hình thức quảng bá mới, hiện đại, cho thấy hướng đi đổi mới và phù hợp với chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
Thông qua việc áp dụng công nghệ, các hợp tác xã đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân", ông Hữu bộc bạch.
Theo ông Hữu, hiện nay, nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã biết ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội…
Được biết, năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Nam Định ứng dụng chuyển đổi số vào công tác chấm điểm sản phẩm OCOP trên hệ thống phần mềm.
Để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nam Định yêu cầu xã phải có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn.